Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Hiểu thế nào cho đúng?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang lấy ý kiến cho Dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; trong đó có đề cập đến kế hoạch Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng sẽ trình Quốc hội Dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu” trong năm 2017. Vấn đề này hiện đang vấp phải nhiều ý kiến tranh luận của giới chuyên gia.
Dùng ngân sách để xử lý chứ không phải trả nợ
Ngay sau khi dự thảo được công bố, một số chuyên gia cho rằng lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu là nghịch lý, đây là giải pháp không khả thi. Có vị chuyên gia còn ví von phương án này chẳng khác nào “lấy của người nghèo chia cho người giàu”. Bởi tiền ngân sách là tiền của dân, dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ.
Việc xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách cần hiểu thế nào cho đúng?. Ảnh minh họa: TTXVN |
Phản biện lại ý kiến trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phân tích kỹ và hiểu đúng mục tiêu của dự thảo. Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cần phải hiểu đây là cách dùng tiền Chính phủ để mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng với giá trị thị trường, sau đó có thể tiếp tục bán cho các nhà đầu tư và lấy tiền trả lại cho Chính phủ.
“Không có chuyện Chính phủ trả thay cho các con nợ. Hiện nay nhiều người đang hiểu lầm là dùng tiền ngân sách để xử lý nợ có nghĩa là Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho các doanh nghiệp hay cá nhân đã nợ ngân hàng và nay mất khả năng trả nợ”, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vị chuyên gia này cũng phân tích, nhiều người hiểu rằng dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu là Nhà nước giải cứu doanh nghiệp, ngân hàng vì họ không trả được nợ nên Chính phủ trả nợ hộ. Cách hiểu này có phần khiên cưỡng và thiếu thực tế. Bởi không một Chính phủ nào đi trả nợ thay cho con nợ của mình, trừ trường hợp đó là doanh nghiệp của Chính phủ nợ ngân hàng.
Cùng quan điểm này, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng đây không phải là phương án ngân sách bỏ tiền ra để xóa nợ cho người vay tiền, đây có thể coi như loại tín dụng nhà nước ứng vốn để xử lý nợ xấu. Sau này ngân sách thu hồi thông qua việc bán tài sản đảm bảo để lấy nguồn tái tụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng cho rằng, cần có cái nhìn đúng bản chất của sự việc là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, chứ không phải là dùng tiền ngân sách để bù lỗ nợ xấu, không thu hồi về.
Chủ tịch VAMC phân tích, dùng tiền để xử lý nợ xấu không phải là mất tiền, ví dụ VAMC được ứng tiền để mua nợ xấu rồi bán thu hồi vốn, thậm chí còn có lãi. VAMC có trách nhiệm phải bảo toàn vốn và sinh lời, như vậy làm sao làm mất tiền của dân được?.
Xử lý nợ xấu cần cơ chế
Theo Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng vấn đề cốt lõi hiện nay là mua nợ xấu về thì phải xử lý và bán được. Các tổ chức tín dụng hiện đang tính toán, họ không muốn bán rẻ vì sợ lỗ.
Bởi VAMC khi mua nợ xấu thì phải bảo toàn vốn, không dại gì VAMC chịu mua đắt, mà các tổ chức tín dụng chẳng dại gì mà bán rẻ. Cuối cùng hai bên ngồi với nhau để thống nhất. Các tổ chức tín dụng chưa trích lập dự phòng rủi ro xong thì họ cũng chưa thể bán nợ xấu theo giá thị trường được.
“Vì vậy dù hiện tại có cấp ngay tiền để mua nợ xấu thì chưa làm được. Một thời gian nữa khi các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro tương đối, hành lang pháp lý đầy đủ thì thị trường mua bán nợ sẽ phát triển tự nhiên. Đến năm 2018-2019, khi thị trường dần hình thành, việc mua bán nợ triệt để hơn, hiệu quả hơn” ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Ông Quốc Hùng cũng cho rằng đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hướng nhìn nhận đánh giá khách quan và đúng đắn trong thời điểm hiện tại. Trên thế giới chưa có nước nào xử lý nợ xấu triệt để mà không dùng ngân sách. Thực tiễn cho thấy việc xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách thì bước đầu mới chỉ đạt hiệu quả là đưa tỉ lệ nợ xấu về mức cho phép.
Khẳng định đây là lựa chọn về mặt chính sách, ông Trương Văn Phước nhìn nhận nếu để các ngân hàng thương mại tự xoay sở thì bấy lâu nay vẫn thế và cái giá phải trả là nền kinh tế hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định, phải mua đứt bán đoạn, nợ xấu mới được xử lý hiệu quả. Với cách mua nợ bằng tờ giấy như vừa qua, VAMC chỉ giống như một bãi đáp tạm thời cho nợ xấu. Trong khi đó, xử lý triệt để nợ xấu nằm ngoài khả năng của các ngân hàng.
“Vì vậy, tôi ủng hộ phương án Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, hiện Chính phủ là người có khả năng duy nhất giải quyết được nợ xấu”, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bản dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế 2016 – 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Do đó, định hướng chính sách đến năm 2020 cần sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Đồng thời giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV công bố hồi tháng 7/2016 cũng nhấn mạnh, xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. VAMC mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, đạt 13,4%.
Theo Đỗ Huyền