|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Đừng bàn việc liên kết thương hiệu Việt theo hàng dọc hay ngang, vì gắn kết bằng tiền là cách hiệu quả nhất'

15:27 | 10/12/2019
Chia sẻ
Tiến sĩ Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp - khẳng định liên kết tài chính là công cụ hiệu quả nhất để các thương hiệu Việt đồng hành cùng nhau một cách bền vững và hiệu quả.

Giải pháp kết nối các thương hiệu Việt để tạo lợi thế cạnh tranh là đề tài chính trong buổi tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội hôm 29/11. Các diễn giả - gồm doanh nhân, nhà nghiên cứu, người làm chính sách - đã đưa ra nhiều ý kiến rất thú vị.

Mọi doanh nghiệp đều cần sự liên kết

Phát biểu trong buổi tọa đàm, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, nhắc lại rằng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất yếu. Theo ông, chúng ta có rất nhiều cách để khắc phục, chẳng hạn như chính sách của chính phủ.

hiep

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, phát biểu trong buổi tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt" ở Hà Nội hôm 29/11. Ảnh: Nhạc Phong

"Mỗi doanh nghiệp cần phải có ý thức và biện pháp để vươn lên. Một trong những vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần liên kết với nhau", ông Hiệp nhận xét.

Theo ông Hiệp, Vingroup ngay từ đầu đã ý thức việc xây dựng thương hiệu. Trong 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, 3 thương hiệu thuộc sở hữu Vingroup là Vinhomes, Vincom Retail, Vincommerce. Mỗi thương hiệu có giá trị nhiều triệu USD.

"Vingroup luôn ý thức là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, luôn cố gắng vươn lên chiếm lĩnh vị trí tiên phong, mặt khác dẫn dắt các thương hiệu các cùng vươn lên. Các doanh nghiệp cần đồng hành cùng nhau", ông Hiệp nhấn mạnh.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, khẳng định ngay từ khi mới ra đời, Tân Hiệp Phát đã xác định rằng họ phải đồng hành cùng các đối tác như nhà cung cấp để tạo ra thương hiệu trăm năm.

Tran Uyen Phuong

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: Nhạc Phong

Tinh thần hợp tác của Tân Hiệp Phát, theo bà Phương, thể hiện ngay từ cái tên của tập đoàn. "Hiệp Phát" có nghĩa là hợp tác để phát triển.

Chủ tịch Tập đoàn TH Ngô Minh Hải chia sẻ, cách đây 20 năm ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đều thất bại, đến nối mọi người còn nghĩ ở Việt Nam với khí hậu nóng nhiệt đới thì không thể nuôi bò sữa.

'Gắn bó về tài chính là cách liên kết hiệu quả và bền vững nhất'

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp nhắc lại rằng, thương hiệu bao gồm sản phẩm, doanh nghiệp, qui trình hoạt động. 

"Chẳng hạn, Mercedes-Benz không phải một hãng, mà là một thương hiệu với hàng nghìn doanh nghiệp liên kết, cung cấp dịch phụ, sản phẩm phụ trợ và trở thành một chuỗi cung ứng trên toàn thế giới".

Trong khi đó, Mercedes-Benz chỉ là tên một thương hiệu sản phẩm của Tập đoàn Daimler AG.

Ở Việt Nam, theo tiến sĩ Tuất, chúng ta không nên bàn xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà nên chú trọng phương thức. Ông nhận định gắn kết về tài chính là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để liên kết thương hiệu Việt.

phan dang tuat 2

Tiến sĩ Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp. Ảnh: Đại học Nguyễn Trãi

Vị tiến sĩ lấy ví dụ là tình trạng liên kết lỏng lẻo giữa nông dân nuôi bò với một doanh nghiệp sữa. Nông dân bán sữa cho doanh nghiệp với mức giá cố định, và khi thấy một doanh nghiệp khác mua với giá cao hơn, họ sẵn sàng "hủy kèo" với khách hàng cũ. 

"Nếu nông dân nuôi bò trở thành cổ đông của doanh nghiệp sữa, mối quan hệ của họ sẽ trở nên gắn bó như máu thịt, vì nông dân hưởng lợi ích từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đó, dù bên khác mua sữa với giá cao hơn, nông dân sẽ không bội ước", ông bình luận.

Quan hệ giữa một hãng bia với doanh nghiệp sản xuất lon là một ví dụ khác mà tiến sĩ Tuất nêu ra. Giá vỏ lon bia có thể biến động theo giá nguyên liệu tạo nên vỏ lon. Nếu giá lon tăng, lợi nhuận của hãng bia sẽ giảm, bởi họ không thể nâng giá bán thành phẩm.

"Song nếu hãng bia mua cổ phần trong doanh nghiệp sản xuất lon, họ sẽ không phải lo ngại về biến động giá vỏ lon, vì lúc này hai bên đã ngồi chung một thuyền", ông Tuất lập luận.

Các thương hiệu Việt, theo ông Tuất, sẽ không thể liên kết chặt chẽ và lâu bền nếu họ không "móc tiền trong ví và đưa cho đối tác". 

Để có tư duy liên kết với nhau bằng tiền, tiến sĩ Tuất nhận định tư duy tài chính cá nhân là có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông, đây lại là điểm yếu của người việt.

Ở Việt Nam, người dân sẵn sàng bỏ tiền "đánh đề" rồi nhận một tờ giấy với những con số mà không hề có bất kì sự bảo đảm nào. Sau đó, sau khi biết kết quả xổ số, các "chủ đề" thanh toán rất sòng phẳng cho người trúng đề. Nhưng khi doanh nghiệp huy động vốn thì người ta lại cảm thấy không đủ tin tưởng để góp vốn. Theo tiến sĩ Tuất, đó là một điểm kì lạ.

"Người Việt thiếu lòng tin về các mối quan hệ tài chính cá nhân. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần nâng cao công tác truyền thông, để người dân hiểu tầm quan trọng của quản trị tài chính cá nhân", ông Tuất nhấn mạnh.

Nhạc Phong