|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đưa tàu cá Việt Nam ra biển nước ngoài khai thác hợp pháp

15:56 | 14/11/2019
Chia sẻ
Ngày 14/11, Đại diện Cục Đăng kiểm Solomon đã đến tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra một số tàu cá trước khi cho phép các tàu vào nước này để khai thác hải sản.

Đây là một hoạt động quan trọng trong bước tiến mới của ngành Thủy sản Việt Nam, lần đầu tiên đưa tàu cá trong nước qua hoạt động đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 3 địa phương được Chính phủ chọn thí điểm.

Đưa tàu cá Việt Nam ra biển nước ngoài khai thác hợp pháp - Ảnh 1.

Tàu cá QNg 90627 TS của ông Võ Văn Lựu (trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một trong đội tàu được chọn đưa qua Solomon khai thác hải sản.

Doanh nghiệp tiên phong đưa ra ý tưởng này và đang thực hiện những bước cuối cùng để hoàn thành mục tiêu là Công ty Hoàng Kim Việt Group (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Theo ông Võ Minh Hùng, Tổng Giám đốc Cty, đợt này Việt Nam có 9 tàu được Cục Đăng kiểm Solomon đến kiểm tra trong đó riêng tỉnh Quảng Ngãi có 6 chiếc, 3 chiếc còn lại ở các tỉnh phía Nam.

Nói về hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên vùng biển nước ngoài thì từ trước đến nay các tàu cá Việt Nam đa phần đánh bắt bất hợp pháp. Đã có rất nhiều tàu cá của Việt Nam nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng bị nước ngoài bắt giữ vì vấn đề này.

Vậy nên, việc đảm bảo tính hợp pháp để tàu cá Việt Nam có thể hoạt động trên vùng biển nước ngoài không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, ngư dân trong nước trong hoàn cảnh nguồn lợi thủy sản ở nước ta đang dần cạn kiệt.

Đưa tàu cá Việt Nam ra biển nước ngoài khai thác hợp pháp - Ảnh 2.

Đại diện Cục Đăng kiểm Solomon kiểm tra các thiết bị trên tàu cá trước khi đưa qua nước ngoài khai thác.

Ông Võ Minh Hùng, Tổng Giám đốc Cty Hoàng Kim Việt Group cho rằng, sở dĩ chọn một đội tàu lớn ở tỉnh Quảng Ngãi để xuất khẩu qua nước ngoài là do địa phương này có đội tàu lớn, ngư dân có kinh nghiệm nghề biển từ nhiều đời. 

Các tàu cá được lựa chọn trước mắt sẽ đưa sang những nước vùng Nam Thái Bình Dương, đầu tiên là 2 Quốc gia Solomon và Vanautu để hành nghề lặn hải sâm.

“Tại Solomon và Vanautu, Cty chúng tôi đã được Chính phủ 2 nước sở tại cấp giấy phép kinh doanh và thành lập các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản ở đó.

Sau khi Cục Đăng kiểm Solomon kiểm tra và xác nhận các tàu cá Việt Nam đạt tiêu chuẩn sang nước họ hoạt động, chúng tôi sẽ làm visa cho các ngư dân để đưa tàu và lao động qua khai thác. Dự kiến, đến năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký thành lập thêm 3 công ty ở 3 nước khác trong khu vực Nam Thái Bình Dương để tổ chức khai thác hải sản”, ông Hùng cho biết.

Đưa tàu cá Việt Nam ra biển nước ngoài khai thác hợp pháp - Ảnh 3.

Ông GEO TU TU BAHUA, đại diện Cục Đăng kiểm Solomon cho rằng, các tàu cá của Việt Nam đã đáp ứng được khoảng 90% yêu cầu.

Ông Võ Văn Lựu (trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 90627TS, công suất 700CV, cho biết, tàu cá của ông hạ thủy đầu năm 2017 với chi phí đóng tàu khoảng 3,1 tỷ đồng hành nghề lặn. 

Đến nay, tàu của ông đã đi được 6 chuyến biển. Cũng như các tàu cá địa phương thì hoạt động đánh bắt của các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn như nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, số lượng tàu ngày một nhiều hơn nên khó khăn trong việc tìm kiếm bạn thuyền.

Lần này, tàu cá của ông Lựu là một trong những tàu được lựa chọn để xuất khẩu qua Solomon. Trong sáng ngày 14/11, Đại diện Cục Đăng kiểm Solomon đã trực tiếp đến kiểm tra các điều kiện cần thiết trên tàu. 

Ông Lựu cho biết: “Tôi cũng như các chủ tàu lựa chọn rất mong muốn tàu của mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn để qua nước ngoài khai thác hải sản, mang lại hiệu quả cao hơn. Về lâu dài thì sẽ có thêm nhiều tàu của Việt Nam được phép khai thác hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, chấm dứt hoạt động đánh bắt bất hợp pháp”.

Đưa tàu cá Việt Nam ra biển nước ngoài khai thác hợp pháp - Ảnh 4.

Công tác kiểm tra được Cục đăng kiểm Solomon tiến hành rất kỹ lưỡng.

Qua kiểm tra các tàu cá được Cty Hoàng Kim Việt lựa chọn để đưa qua Solomon, ông GEO TU TU BAHUA, Đại diện Cục Đăng kiểm Solomon cho rằng: “Các tàu của Việt Nam cơ bản đã đạt được khoảng 90% tiêu chuẩn để qua nước chúng tôi khai thác hải sản. Chỉ còn một vài điều chỉnh nhỏ về giấy tờ phía Việt Nam nữa thôi là được rồi”.

Ông Võ Minh Hùng, Tổng Giám Đốc Cty Hoàng Kim Việt Group thông tin thêm, sau khi Cục Đăng kiểm Solomon kiểm tra xong hết các tàu đăng ký, giữa Cty và cơ quan này sẽ có một cuộc họp nội bộ. Trong buổi họp, Cục Đăng kiểm Solomon sẽ báo kết quả những tàu đạt tiêu chuẩn.

Sau đó 2 bên cùng kết hợp với nhau để hoàn thành các giấy tờ và visa cho lao động đi trên tàu theo đúng pháp lý. “Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành hết các thủ tục. Sau đó, phía Solomon sẽ đưa ra thời hạn cho tàu Việt Nam tới nước họ, nếu quá thời hạn mà chưa qua thì phải gia hạn lại”, ông Hùng nói.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Khánh - Kim Sơ