|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đưa lãi suất USD 'lên mặt đất'

08:04 | 30/03/2017
Chia sẻ
"Tôi mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, để tránh áp lực cho vốn VND thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn VND, bằng việc đưa lãi suất USD “lên mặt đất”", TS.Nguyễn Đức Hưởng kiến nghị khi nói về hiện tượng các ngân hàng tăng lãi suất hiện nay.

"Đào đô la dưới đất lên"

Sau động thái của một loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, trên thị trường đã có không ít ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn.

Theo đánh giá của TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, việc một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là một hình thức huy động vốn dài hạn. Huy động được nguồn vốn dài hạn này để cho vay trung dài hạn, đáp ứng yêu cầu hiện nay là thực hiện giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nó là một cách làm của ngân hàng, có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với thị trường.

"Bởi vì hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngắn hạn mới là lượng lớn. Còn nguồn để gửi trung dài hạn không nhiều lắm, nên việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.

Nhưng chúng ta cũng cần xem xét, nếu không cẩn thận thì đây lại có thể là một sự biến tướng. Ngân hàng thu hút vốn trung dài hạn nhưng thời hạn thực tế có khi lại ngắn, hoặc tính lãi cho các kỳ ngắn. Ví dụ như huy động 3 năm, tính lãi và rút cuối kỳ thì khác, nhưng nếu cho rút định kỳ hoặc bất cứ lúc nào thì lại rất khác", ông Hưởng phân tích.

dua lai suat usd len mat dat

Trần lãi suất huy động USD hiện ở mức 0%/năm (ảnh minh họa).

Đánh giá cao sự đồng thuận trong hệ thống về bình ổn lãi suất, ông Hưởng cũng "mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, để tránh áp lực cho vốn VND thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn VND, bằng việc đưa lãi suất USD “lên mặt đất”.

Trần lãi suất huy động USD 0%/năm hiện nay có thể lên 0,25-0,5%/năm, như vậy vừa “đào đô la dưới đất lên”, vì nhiều nhà chôn cất thật, và nữa là thu hút kiều hối".

Gửi VND vẫn có lợi

Tại cuộc giao lưu Đường đi của lãi suất năm 2017, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Khối Phân tích Khách hàng cá nhân của Công ty SSI cho rằng: Việc giữ lãi suất USD 0% để giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD giúp bình ổn tỷ giá là một chủ trương đúng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bất kỳ một phương án nào cũng có hai mặt. Khi lãi suất của FED thấp thì mặt trái của lãi suất 0% không thể hiện nhiều. Còn khi FED tăng lãi suất, kỳ vọng 1,5% vào cuối 2017 và 2,25% vào cuối 2018 thì mức chênh lệch lãi suất và kỳ vọng chênh lệch lãi suất nới rộng rất nhanh làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt nam. Đây là một nguyên nhân khiến lượng kiều hối giảm.

"Việc rút vốn của nhà đầu tư với lãi suất USD 0% ít có sự liên hệ trực tiếp vì nhà đầu tư không gửi tiền. Họ quan tâm đến lãi suất như một chỉ báo cho rủi ro tỷ giá và họ quan tâm lãi suất VND không phải USD. Mặc dù trong ngắn hạn, nỗi lo FED tăng lãi suất chưa ảnh hưởng lớn tới cán cân dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam nhưng về dài hạn thì không thể chủ quan. Trong năm qua, 2 quỹ ETF tại Việt Nam đã rút ròng khá mạnh ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Linh nói.

Và theo ông Linh, với biên độ điều chỉnh tỷ giá 2-3% trong 1 năm, cộng với lãi suất VND tăng nhẹ 1-2%, việc giữ VND vẫn có lợi ngay cả khi FED tăng lãi suất.

Là một trong số nhóm các chuyên gia đề xuất việc nên cân nhắc việc nâng trần lãi suất huy động USD từ dân cư, TS. Cấn Văn Lực cho biết, nâng trần lãi suất USD, một là phù hợp xu thế tăng lãi suất của FED. Điều này tạo tâm lý cho người Việt Nam là không quá thiệt thòi khi gửi USD.

Hai là người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu vay ngoại tệ. Ước tính tỷ lệ đô la hóa hiện nay tầm 9-10%, và ông Lực cho rằng, Nhà nước vẫn cần duy trì tỷ lệ đô la hóa.

Ba là bài toán hiệu quả. Nếu không cho phép nâng trần huy động USD mà ngân hàng Việt Nam phải đi vay nước ngoài với lãi suất 1- 3% thì chi phí này rất lớn so với mức lãi suất huy động 0,25%

Bốn là một số ngân hàng thương mại huy động USD không được phép trả lãi suất nhưng vẫn có hình thức hoa hồng các thứ. Nếu cho huy động có lãi suất thì sẽ giúp minh bạch hóa hệ thống. "Chúng ta không phải quá lo về việc đô la hóa, đó chỉ là hình thức huy động vốn của người dân cho nền kinh tế", ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, trần lãi suất huy động USD hiện là 0%, giả sử có quyết định nới lên 0,25% thì cũng là mức rất thấp. Trong khi đó, nếu gửi VND trong 1 năm, được hưởng lãi suất 6,5-7%/năm. Giả sử lạm phát so với cùng kỳ là 4,7% thì người gửi tiền VND vẫn được hưởng lãi suất dương. Gửi tiền cũng là một kênh đầu tư khá hiệu quả hiện nay.

Nguyễn Hiền