|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dư nợ cho vay của Agribank tăng trưởng chưa đầy 4% trong 11 tháng đầu năm

08:50 | 11/12/2021
Chia sẻ
Trong 11 tháng đầu năm, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm; dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 70%.
Dư nợ cho vay của Agribank tăng trưởng chưa tới 4% trong 11 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Agribank. (Ảnh: Lê Huy).

Tính đến 30/11/2021, tổng tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đạt trên 1,67 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,9%; dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 70%.

Nếu so sánh trong toàn ngành, có thể nói đây là mức tăng trưởng tương đối thấp. Theo tổng hợp của người viết, mới tính trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng của 28 nhà băng khác (không bao gồm Agribank) trung bình ở mức 8,7%.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn huy động của Agribank đạt 1,54 triệu tỷ đồng.

Agribank cho rằng tình hình dư nợ tăng trưởng chậm và nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho toàn ngành ngân hàng. Theo đó, kết quả tài chính của Agribank cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi thực hiện giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Ngân hàng cho biết trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh còn tiếp diễn khiến hoạt động kinh doanh của Agribank đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Để hoàn thành các nhiệm vụ kinh doanh năm 2021, ngân hàng sẽ xây dựng các kịch bản kinh doanh phù hợp, chú trọng tăng trưởng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với các đối tượng khách hàng.

Trong năm nay, Agribank đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng 7 - 9%; vốn huy động thị trường I tăng từ 9 - 12%, có điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng dư nợ; Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 8 - 11%; tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt từ 65 - 70%.

Lê Huy

Tránh FOMO trong sóng cổ phiếu khoáng sản
Theo nhà phân tích KBSV, sau thời gian tăng nóng và kéo dài xuyên suốt từ 3 - 4 tháng, đến nay nhiều cổ phiếu khoáng sản đã đột ngột quay đầu giảm mạnh. Diễn biến này phản ánh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư và cũng phù hợp với thực tế khi nhiều cổ phiếu khoáng sản có mức tăng bằng lần, trong khi nội tại doanh nghiệp chưa thể có sự cải thiện tương ứng.