Du lịch và hàng không muốn kéo dài thời gian nghỉ hè để hồi phục hậu COVID-19
Giới kinh doanh du lịch, hàng không đề nghị kéo dài thời gian nghỉ hè, linh động thời gian làm việc của người lao động để kích thích nhu cầu đi lịch, du lịch, giúp ngành công nghiệp không khói "thoát hiểm".
Học sinh mãi học là du lịch... đuối
Trong hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" do Tổng cục Du lịch, Ban IV, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và một số đơn vị khác tổ chức vào chiều nay (21-5), nhiều doanh nghiệp lữ hành, hàng không đã nêu ý kiến về vấn đề trên.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho rằng du lịch đang nỗ lực kích cầu để thu hút du khách nội địa. Tuy nhiên, kích cầu không chỉ về giá mà còn là các biện pháp kích cầu thị trường và việc kéo dài mùa hè là một trong những biện pháp để kích cầu thị trường.
"Liệu chúng ta có mạnh dạn đề nghị kéo dài mùa hè hay không?", ông đặt vấn đề tại hội nghị.
Ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc VietJet Air cũng có cùng ý kiến. Theo ông, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống Covid-19, sản lượng vận chuyển của hãng đã giảm 98%. Đến nay, tất cả các đường bay trong nước đã được tăng tải, tăng chuyến và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tải lớn hơn nữa với thị trường nội địa trong tháng 6 tới.
Tuy nhiên, điều mà hãng đang lo lắng là nếu học sinh nghỉ hè như dự kiến thì thời gian nghỉ sẽ rất ngắn, ảnh hưởng lớn đến việc hồi phục thị trường.
"Hè và tết là hai kỳ nghỉ quan trọng nhất với hàng không cho nên cần tìm ra giải pháp kéo dài hè để kích cầu du lịch. Cần phải thay đổi thời gian nghỉ hè cho học sinh", ông nói.
Trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp cho biết, doanh thu từ mùa du lịch hè chiếm từ 30%, thậm chí là 40% trong tổng doanh thu. Kể từ khi du lịch bắt đầu tính đến việc phục hồi sau dịch, rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu mùa hè quá ngắn thì du lịch sẽ không thể phục hồi và đặt vấn đề là những người quản lý du lịch nên làm việc với ngành giáo dục để thảo luận về thời gian nghỉ hè thích hợp.
Hiện nay, nhiều trường định cho học sinh nghỉ hè vào ngày 15-7 tới và lịch khai giảng thực hiện như cũ, tức đầu tháng 9 nhưng trong hội nghị này, có ý kiến muốn kỳ nghỉ kéo dài đến hết tháng 9.
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng đề nghị nên linh hoạt thời gian biểu làm việc của người lao động. Thay vì nghỉ 2 ngày trong tuần thì có thể linh hoạt tuần nghỉ 3 ngày, tuần nghỉ 1 ngày... để người lao động dễ dàng đi lại, du lịch. Điều này không chỉ quan trọng với ngành du lịch mà còn với nền kinh tế nói chung vì du lịch là mảng đa ngành.
Doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng kích cầu
Mỗi khi du lịch có khó khăn là tình đến kích cầu, trong dịch Covid-19 này cũng vậy, hàng loạt chương trình kích cầu, trước mắt là dành cho du khách trong nước đang và sẽ được tung ra thị trường.
Trong tình trạng gần như không còn khách như hiện nay và còn có thể kéo dài trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẳn sàng hạ giá bán thấp nhất có thể để thu hút khách hàng. Thậm chí, có những công ty chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để vận hành bộ máy.
Với sự tham gia này, nhiều tour du lịch đã giảm giá vài chục phần trăm so với giá bình thường. Phía hàng không cũng cho biết, đang kích cầu rất mạnh và có mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử.
Tuy nhiên, việc đua nhau đưa ra giá thấp để kích cầu là gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến cho nhiều công ty bán được dịch vụ, sản phẩm nhưng lại không thể "sống" được. Thêm vào đó, nếu không khéo vận hành để duy trì chất lượng dịch vụ, việc kích cầu chỉ bằng giá thấp sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh không lành mạnh cho ngành du lịch.
Theo ông Trương Phương Thành, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, để kích cầu, hiện có lúc hàng không chỉ tính 29.000 đồng, 190.000 đồng cho 1 chặng bay, nếu cộng với thuế, phí thêm là 300.000 đồng thì giá vé vẫn rất thấp. Trong khó khăn suy giảm khách, vấn đề quan trọng là hạ giá ở mức độ hợp lý nhằm kích cầu chứ không đua hạ giá để doanh nghiệp chết.
"Với giá đó, doanh nghiệp phải chở bao nhiêu khách thì mới có thể sống? Chúng ta phải khống chế để doanh nghiệp có thể sống được", ông nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng có ý kiến tương tự, cho rằng cần phải tránh "cuộc chiến giá" trong kích cầu du lịch nhằm giữ chất lượng dịch vụ và hình ảnh điểm đến.
Trong thời gian tới, thị trường du lịch nội địa sẽ có thêm nhiều gói sản phẩm giá tốt cho khách hàng. Trong đó, chỉ riêng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết đã có 50.000 vé máy bay ưu đãi từ các hãng hàng không để thực hiện kích cầu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/