Dự kiến bỏ hết điều kiện kinh doanh khí
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện một thương nhân phân phối tại TPHCM cho biết, Điều 14, dự thảo nghị định mà Bộ Công Thương gửi tới doanh nghiệp chỉ quy định 3 điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh khí.
Thứ nhất là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký ngành nghề kinh doanh khí. Thứ hai, có hợp đồng mua bán khí với thương nhân sản xuất, chế biến khí hoặc thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; và thứ ba là đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
So với quy định hiện hành là Điều 9, Nghị định 19/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp đã được loại bỏ hết các điều kiện về vỏ bình, bồn chứa, hệ thống phân phối là cửa hàng, trạm cấp…
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối tại TPHCM cũng xác nhận, bản dự thảo nghị định doanh nghiệp ông nhận được đã sửa đổi Nghị định 19 theo hướng xóa bỏ gần hết các điều kiện với thương nhân phân phối.
Theo vị lãnh đạo này, sửa đổi theo hướng này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không tốt cho thị trường khi vỏ bình vô chủ, không có ai chịu trách nhiệm kiểm định, bảo hành… Đây là điều nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, đã có văn bản chính thức gửi đến Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên như Nghị định 19!
Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Công Thương, hôm 28-12-2016, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập nhằm rà soát, nghiên cứu và xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 19 về kinh doanh khí. Ban soạn thảo có đại diện của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp việt Nam (VCCI).
Nghị định 19 về kinh doanh khí, là văn bản sửa đổi cho Nghị định 107. Điểm chú ý của nghị định này là hàng loạt điều kiện kinh doanh khí với thương nhân phân phối đã được điều chỉnh giảm rất nhiều so với Nghị định 107.
Sau khi nghị định 19 đưa vào áp dụng đã nảy ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các doanh nghiệp và hiệp hội.
Trong đó, có hai luồng ý kiến rất trái ngược nhau. Một bên là các doanh nghiệp nhỏ kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh vì không thể đáp ứng nổi về đầu tư vỏ bình, kho chứa.
Phía còn lại là các doanh nghiệp lớn yêu cầu tuân thủ nghiêm túc theo Nghị định 19 khi họ đã từng đầu tư rất lớn từ trước để đáp ứng theo Nghị định 107.
Bộ Công Thương sau đó vào cuộc, tiếp nhận ý kiến hai phía và quyết tâm xây dựng một nghị định mới để thay thế 19.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công Thương vừa được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là thực hiện tốt việc cải cách hành chính với hàng loạt đông thái. Đó là bỏ nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính như Thông tư 37, Thông tư 40, Thông tư 36… ở lĩnh vực may mặc, hàng điện tử… mà vốn trước đó bị doanh nghiệp phản ứng gay gắt.