|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Du học sinh Trung Quốc sống xa xỉ, chi hàng chục nghìn USD ở Anh, Mỹ

06:55 | 10/12/2019
Chia sẻ
Theo South China Morning Post, các du học sinh Trung Quốc đến Anh, Mỹ, Canada với khoản trợ cấp hàng chục nghìn USD/năm, sở hữu lối sống xa xỉ mà ngay cả người lớn cũng mơ ước.

Những cửa hàng bóng loáng của Harvey Nichols, các hành lang trang trí công phu của Harrods hay Selfridges ở London (Anh) có thêm những vị khách mới. 

Bên cạnh các du khách lớn tuổi, giàu có, những tín đồ thời trang địa phương tụ tập tại các cửa hàng bách hóa sang trọng là những sinh viên đến từ Trung Quốc. Họ còn rất trẻ nhưng rất mạnh tay chi tiêu.

Các cửa hàng ở thủ đô nước Anh không phải điểm đến duy nhất của họ. 

Trên những khu phố mua sắm đắt đỏ nhất Los Angeles, sinh viên Trung Quốc từ các trường Đại học California Los Angeles, Đại học Southern California, Đại học California State mua sắm cùng chỗ với sao Hollywood.

Những sinh viên Parsons và Colombia ở New York thuê nhà trên Fifth Avenue và mua sắm tại các cửa hàng ngay dưới nơi ở.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Melbourne (Australia), Paris (Pháp) hay Vancouver (Canada). Giá thuê nhà đang tăng lên tại những nơi được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng.

Cuộc sống xa xỉ của du học sinh Trung Quốc

Không giống những sinh viên địa phương tại các thành phố này, sinh viên từ Trung Quốc đến du học thường sở hữu số tiền mà ngay cả người lớn cũng chỉ có thể mơ ước.

Annabel Yao, 22 tuổi, sinh viên trường Harvard, từng sống ở Anh, Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc). 

Cô là con gái nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Ren Zhengfei. Trên mạng xã hội, Yao thường chia sẻ hình ảnh đi khắp thế giới với những bộ quần áo hiệu Dior, Louis Vuitton và Saint Laurent.

Du học sinh Trung Quốc sống xa xỉ, chi hàng chục nghìn USD ở Anh, Mỹ - Ảnh 1.

Các du học sinh Trung Quốc thường mua sắm tại những cửa hiệu xa xỉ. Ảnh: South China Morning Post.

Vương Tư Thông, con trai của một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm, theo học tại UCL ở London. Anh nổi tiếng với việc mua Apple Watch cho chó cưng và trả 105 triệu USD cho căn nhà ở khu phố cao cấp Kensington.

“Họ là những khách hàng mục tiêu mà chúng tôi bàn đến một cách nghiêm túc. Họ có sức mạnh chi tiêu rất lớn. 

Học phí cho sinh viên quốc tế rất tốn kém, chỉ những gia đình giàu có mới có thể cho con đến Anh du học”, South China Morning Post dẫn lời Melody Yeh, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Recenting Communications, nhận định.

“Chúng tôi tính toán số tiền khả dụng của mỗi sinh viên Trung Quốc tại Anh là khoảng 37.000 USD/năm. 

Chúng tôi không nói về tiền thuê nhà hay hóa đơn mà chỉ tính đến số tiền tiêu cho đồ dùng. Trên hết, mỗi sinh viên sẽ có khoảng ba người từ Trung Quốc đến thăm và mua sắm cùng. Vì vậy các thương hiệu luôn muốn thu hút sự chú ý từ họ”, ông nói thêm.

Du học sinh Trung Quốc sống xa xỉ, chi hàng chục nghìn USD ở Anh, Mỹ - Ảnh 2.

Vương Tư Thông nổi tiếng về độ ăn chơi. Ảnh: Instagram.

Theo South China Morning Post, người trẻ Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng sinh viên quốc tế ở Anh năm ngoái và khoảng 33% tại Mỹ và Canada. Cho con đi du học trở thành một trong những mục tiêu chính của giới nhà giàu Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát của Kai Tak Education chỉ ra khoảng 83% triệu phú Trung Quốc muốn cho con đi du học - chủ yếu ở phương Tây. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ước tính có hơn 100 triệu người Trung Quốc nằm trong top 10% người giàu nhất thế giới.

Dòng người từ Trung Quốc đổ vào các thành phố châu Âu và Mỹ đã tạo ra một ngành công nghiệp nhằm tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho họ. Các trang web như Red Scarf được giới thiệu hoàn toàn bằng tiếng quan thoại để tư vấn cho sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài.

Du học sinh Trung Quốc giải cứu ngành thời trang địa phương

Tao Liang đã ra mắt Mr Bags vào năm 2012 khi anh còn là một sinh viên tại New York và chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội. 

Anh sở hữu 3,5 triệu người theo dõi trên Weibo và hơn 850.000 ở WeChat. Tháng 6/2018, Liang giúp Tod bán được số túi xách trị giá 3,24 triệu NDT (khoảng 460.000 USD) trong vòng sáu phút. 

Một năm trước đó, anh bán số túi xách Givenchy trị giá 1,2 triệu NDT với vỏn vẹn 12 phút.

“Cách tốt nhất để thu hút các sinh viên Trung Quốc là nhắm vào những người nổi tiếng/người có ảnh hưởng đang sống ở Mỹ hoặc Anh, vì các sinh viên này sẽ tìm lời khuyên khi đến ngôi nhà mới của mình. 

Người hâm mộ rất trung thành, các nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng sản xuất nội dung tốt với chi phí rẻ hơn ở Trung Quốc”, Yeh nhận định.

“Một điều quan trọng khác cần làm là quảng bá sản phẩm của bạn trên Weibo, WeChat và Little Red Book, các nghiên cứu cho thấy sinh viên thường gắn bó với các nền tảng truyền thông Trung Quốc hơn là Instagram hay Twitter”, cô nói thêm.

Du học sinh Trung Quốc sống xa xỉ, chi hàng chục nghìn USD ở Anh, Mỹ - Ảnh 3.

Các du học sinh Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tại quê hương thông qua Weibo và WeChat. Ảnh: South China Morning Post.

Sinh viên Trung Quốc cũng giúp quảng bá các thương hiệu châu Âu và Mỹ thông qua những kênh truyền thông của họ. 

Yeh nhắc đến trường hợp của Aspinal of London, một thương hiệu đồ da của Anh chưa bao giờ có mặt tại Trung Quốc. Nhưng thương hiệu đã tấn công các du học sinh Trung Quốc ở Anh và nhận ra doanh thu tại Trung Quốc cũng tăng chỉ nhờ truyền miệng.

Các thương hiệu cho phép sinh viên thể hiện một phần tính cách cũng rất phổ biến.

“Người tiêu dùng Trung Quốc trẻ tuổi xem quyền sở hữu hay liên kết với các thương hiệu là một tài nguyên xã hội. 

Chúng không chỉ là những thứ được dùng để mặc mà còn là một lựa chọn về lối sống, thể hiện họ là khác biệt hoặc duy nhất. 

Hầu hết khách hàng trẻ tuổi này đều mới mẻ với thị trường, mang đến cơ hội và bắt các thương hiệu phải luôn cập nhật”, McKinsey Luxury China Report 2019 viết.

Những du học sinh này có đủ sức mạnh chi tiêu để định hình toàn bộ thị trường xa xỉ phương Tây. Các thương hiệu thiết kế của Anh đã gặp khó khăn kể từ khi nước này bổ phiếu rời Liên minh châu Âu hồi năm 2016.

Trong khi đó, Mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu của các du học sinh Trung Quốc, nhưng cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump châm ngòi đã làm gia tăng số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại Anh.

Đó là thể là lối thoát cho ngành công nghiệp thời trang địa phương.

“Thái độ của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc được đưa tin khắp nơi, và người Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi xin thị thực đến Mỹ. 

Lần đầu tiên sinh viên Trung Quốc coi Anh là lựa chọn đầu tiên để du học. Điều này rất quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang địa phương”, Yeh bình luận.

“Brexit đã tạo ra sự không chắc chắn. Nhưng tôi cho rằng các du học sinh không mấy quan tâm. 

Thêm vào đó, Anh vừa nới lỏng thị thực việc làm cho du học sinh Trung Quốc, bất cứ ai có bằng sau đại học tại Anh đều được phép làm việc trong hai năm sau đó. Điều đó rất hấp dẫn”, cô bổ sung.

Trong khi tình hình chính trị khiến người dân địa phương thận trọng hơn trong việc mua đồ xa xỉ, thì các du học sinh Trung Quốc lại biến London thành nhà và giải cứu các hãng thời trang địa phương.

Phương Thảo