Đủ chiêu thổi giá đất gây sốt ảo
Trong vai người đi mua đất nền đầu tư, phóng viên đã khảo sát giá đất khu vực đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9, TP HCM). Tuyến đường này chính là một trong những “điểm nóng” về bất động sản của Thành phố. Tại khu vực này, nhân viên môi giới đứng phát tờ rơi nhộn nhịp như “trẩy hội”.
Nữ nhân viên môi giới tên Ph. đưa chúng tôi đến một lô đất gần cảng Phú Hữu nằm trên đường 990. Chỉ tay vào lô đất trống và có đường rải đá rộng 5m, người nhân viên môi giới cho biết, mỗi m2 đất ở đây có giá từ 24-26 triệu đồng/m2, sổ hồng đầy đủ. Chúng tôi thắc mắc, khu đất không gần chợ, trường hay bệnh viện gì hết nhưng sao giá lại cao quá?.
Ph. nói, “chủ đất đưa giá nào thì bọn em bán giá đó thôi anh. Sắp tới, nhà cửa ở đây sẽ xây dựng tấp nập lắm, người vào ở thì tiện ích mới phát triển”.
Các khu vực quanh đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 có rất nhiều môi giới và cò đất hoạt động. |
Ông Liêm, một người có kinh nghiệm môi giới hàng chục năm tại quận 9 chia sẻ, giá đất khu vực gần cảng Phú Hữu mà 26 triệu đồng/m2 là quá cao. Chủ đất đẩy giá lên để kiếm lời, ông Liêm vẫn dẫn khách đến khu vực này mua với giá khoảng 21-22 triệu đồng/m2.
“Các chủ đất báo giá thì như vậy, nhưng anh cứ trả giá đi xem họ có bán không là biết giá thực tế liền thôi”, ông Liêm nói.
Chúng tôi gọi điện cho chủ lô đất mình đã xem, lúc đầu người chủ đất khăng khăng giá bán 26 triệu/m2. Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi khá rắn trong trả giá, chỉ ở mức 22 triệu đồng/ma2 thì chủ nhà đã đồng ý bán và hẹn đặt cọc ngay ngày hôm sau.
Đất nền tại quận 12 cũng là một "điểm nóng" để các đầu nậu, cò đất "thổi giá" gây sốt đất ảo trong thời gian qua. |
Bà Hường, một người môi giới đất lâu năm tại quận 12, cho biết bà đã làm “cò đất” đến nay là 13 năm. “Chiêu” của bà Hường là khi biết ai có nhu cầu bán nhà thì bà thỏa thuận với chủ nhà không lấy tiền môi giới. Tuy nhiên, khi bà Hường báo giá với khách bao nhiêu thì chủ nhà cũng phải giữ bí mật giá thực tế cho bà, thường thì mỗi m2 bị “đội giá” lên khoảng 1-2 triệu đồng.
Một ngôi nhà rao giá khoảng 25 triệu đồng/m2 sẽ được bà Hường “thổi” giá lên khoảng 27 triệu đồng/m2. Nếu bán ngôi nhà khoảng 60m2 thì bà Hường sẽ bỏ túi 120 triệu đồng.
Theo bà Hường, nếu là dân kinh doanh làm ăn với nhau thì thủ tục mua bán diễn ra rất nhanh gọn và không rườm rà như người dân mua nhà để ở. Người này thấy có lãi là lại bán ngay cho người kia, cứ mỗi lần “sang tay” như vậy thì giá đất lại càng bị “đẩy” lên. Trong một năm, giá mỗi m2 có thể bị “đẩy” lên hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường.
Cũng theo một “cò đất” tại huyện Hóc Môn, dân làm môi giới sẽ tạo ra những cơn “sốt” tại khu vực mình “làm ăn” bằng cách gõ cửa từng ngôi nhà để hỏi có bán đất, bán nhà không. Người dân sẽ xôn xao việc nhu cầu mua nhà, mua đất ở khu vực mình. Mặt bằng giá cả bỗng chốc tăng lên vì những tin đồn kiểu như vậy và đó cũng chính là cơ hội cho các “cò đất” chuộc lợi.
Thời gian qua, giá đất tại các địa phương như quận 8, quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh đã đột nhiên “sốt giá” mạnh mẽ. Nhiều khu vực giá đất đã tăng gấp 2 lần chỉ sau 1 năm. Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, đây là mức tăng giá “bất thường” và “sốt ảo”.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, muốn “hạ nhiệt” cơn sốt đất ảo thì lãnh đạo Thành phố nên sớm công bố kết quả xét duyệt các dự án khu đô thị, dự án xây cầu hay các tuyến đường huyết mạch lớn tại các địa phương để “cò đất” không lợi dụng việc này để thổi giá đất. Thành phố cũng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ việc phân lô bán nền tràn lan, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sốt đất ảo.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất. Bởi, hiện tại, những người này đang hoạt động với tư cách cá nhân và không có đăng ký kinh doanh, có nhiều trường hợp nấp bóng người chủ đất hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế. Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định.
Ngày 19/5, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau khi đối chiếu thì huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè chưa đáp ứng đủ các tiêu chí lên quận.