|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự báo lợi nhuận Petrolimex năm 2021 tăng mạnh nhờ nhu cầu xăng dầu hồi phục

03:09 | 23/02/2021
Chia sẻ
4 yếu tố có thể hỗ trợ giá cổ phiếu Petrolimex (Mã: PLX) trong ngắn hạn 3-6 tháng là: Sự phục hồi của kết quả kinh doanh, kế hoạch bán cổ phiếu quỹ để tăng nguồn vốn, PLX trở lại danh sách đủ điều kiện cho vay ký quỹ sau khi công bố BCTC kiểm toán, và việc thanh lý các khoản đầu tư.
Dự báo nhu cầu xăng dầu hồi phục, lợi nhuận Petrolimex tăng mạnh năm 2021 - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Dự kiến trả cổ tức tiền mặt 1.200 đồng/cp

Năm 2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX) ghi nhận 123.924 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 34,6% và 73,6% so với năm trước đó.

Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận đi xuống mạnh chủ yếu là do mảng xăng dầu và nhiên liệu bay kém tích cực. Riêng hai mảng này đã khiến lợi nhuận giảm khoảng 4.300 tỷ đồng. 

Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 216.597 chuyến bay, giảm gần 34% so với năm 2019. 

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của Petrolimex trong quý IV/2020 cho thấy sự phục hồi khả quan khi lợi nhuận trước thuế từ mảng xăng dầu và nhiên liệu bay lần lượt đạt 758 tỷ đồng (tăng 22% so với quý trước) và 31 tỷ đồng (tăng 121%).

Sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2020 của Petrolimex đạt 9 triệu m3/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng vẫn vượt kế hoạch 2%.

Dự báo nhu cầu xăng dầu hồi phục, lợi nhuận Petrolimex tăng mạnh năm 2021 - Ảnh 2.

Lợi nhuận trước thuế từ mảng hóa dầu giảm 15% so với năm trước chủ yếu do cổ tức từ BP-PETCO giảm 18%, trong khi lợi nhuận của Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC) tăng nhẹ 3%. Lợi nhuận từ mảng khí hóa lỏng (LPG) cũng giảm 17% do nhu cầu yếu trong dịch COVID-19, đặc biệt trong nửa đầu năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế từ mảng vận tải cũng giảm 41% so với năm trước, do ảnh hưởng của bão lũ liên tục ở miền Trung trong năm 2020. Tuy nhiên, theo Chứng khoán SSI, mức giảm lợi nhuận từ các mảng này được bù đắp bởi ba nhân tố.

Thứ nhất, lợi nhuận trước thuế từ mảng ngân hàng và bảo hiểm tăng 46% so với cùng kỳ;

Thứ hai, lợi nhuận tại Công ty TNHH Kho ngoại quan Xăng dầu Vân Phong tăng 75 tỷ đồng do giá dầu thấp trong nửa đầu năm 2020 đã khuyến khích hoạt động đầu cơ và tích trữ hàng tồn kho của khách hàng. Petrolimex sở hữu 85% vốn của công ty này.

Thứ ba, việc hợp nhất Công ty PG Contrade (PGCC) đóng góp 46 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020. Do đó, tổng lợi nhuận trước thuế từ các mảng khác đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Dự báo nhu cầu xăng dầu hồi phục, lợi nhuận Petrolimex tăng mạnh năm 2021 - Ảnh 3.

Cửa hàng Petrolimex tại Thanh Hóa vắng vẻ trong năm COVID. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo Chứng khoán HSC, mặc dù kết quả hoạt động năm 2020 nói chung sa sút nhưng ban lãnh đạo Petrolimex xác nhận tập đoàn sẽ trả cổ tức tiền mặt với mức tối thiểu 1.200 đồng/cp như đã thông qua trong đại hội cổ đông năm 2020, tương đương lợi suất cổ tức 2,2%. Tổng số tiền chi trả cổ tức sẽ bằng 165% mức lợi nhuận thấp của năm 2020.

Thoái vốn, bán cổ phiếu quỹ

Cũng theo HSC, lãnh đạo Petrolimex có kế hoạch bán 40% cổ phần tại PGBank thông qua đấu giá trong năm 2021. Tập đoàn cũng dự định giảm sở hữu tại Pjico (Mã: PGI) từ 40,95% hiện tại xuống còn 3,35%. 

Pjico hiện là công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 5 tại Việt Nam với 6,4% thị phần.

Bên cạnh hai hoạt động thoái vốn chủ chốt này, Petrolimex cũng có kế hoạch bán bớt danh mục đầu tư không thiết yếu với tổng giá trị sổ sách khoảng 510 tỷ đồng trong năm 2021.

Ban Lãnh đạo Petrolimex không tiết lộ lãi từ hoạt động tài chính dự kiến từ các đợt bán các khoản đầu tư này. HSC ước tính sơ bộ Petrolimex có thể ghi nhận thu nhập tài chính khoảng 500 tỷ đồng.

Theo SSI, số tiền thu được từ việc thoái vốn sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển mảng kinh doanh xăng dầu và các dịch vụ liên quan, các dự án năng lượng sạch như dự án kho chứa LNG Nam Vân Phong.

Petrolimex có kế hoạch bán 75 triệu cổ phiếu quỹ còn lại vào năm 2021. Theo ban lãnh đạo, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mua cổ phiếu quỹ PLX. Trong số đó, JX - cổ đông lớn thứ hai của Petrolimex, có khả năng là nhà đầu tư tiềm năng nhất sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu quỹ này.

JX đã tăng sở hữu tại Petrolimex từ 8% lên 9% trong năm trước và từng chia sẻ mong muốn nắm giữ 20% vốn. Trong tương lai, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể mua thêm cổ phiếu PLX trong trường hợp nới room sở hữu nước ngoài từ 20% lên 35% theo dự thảo sửa đổi Nghị định 83.

SSI đánh giá việc sửa đổi Nghị định 83 có thể giúp các đầu mối kinh doanh xăng dầu hưởng lợi trên phương diện số ngày tồn kho và chính sách giá.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, khoảng thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp có thể được rút ngắn thành 10 ngày so với 15 ngày như hiện nay, giúp các đại lý bán lẻ xăng dầu điều chỉnh giá sát hơn với diễn biến của thị trường và chi phí đầu vào.

Ngoài ra, việc sửa đổi số ngày tồn kho bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày cũng sẽ tạo điều kiện cho các đại lý phân phối xăng dầu giảm dự trữ hàng tồn kho cũng như chi phí tài chính. Theo Petrolimex, việc sửa đổi Nghị định 83 có thể được hoàn tất trong nửa đầu năm 2021 và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2021.

Dự báo lợi nhuận Petrolimex khả quan

Kế hoạch kinh doanh cụ thể của Petrolimex trong năm 2021 vẫn chưa được chính thức phê duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch sơ bộ cho sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2021 là tăng tối thiểu 3%. 

Trong đó, sản lượng bán lẻ dự kiến tăng ít nhất 3,5 - 4% so với năm trước. Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được kỳ vọng đạt 3.500 – 4.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 150 – 180% so với năm trước, chưa tính đến thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi công ty liên kết như đã đề cập ở trên.

Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của Petrolimex sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2021, do sự tăng lên ở cả nhu cầu nhiên liệu và giá dầu. Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu có thể sẽ tăng 5,2% so với cùng kỳ lên 9,5 triệu m3/tấn, gần bằng mức năm 2019. Trong đó sản lượng bán lẻ có thể tăng 4% lên 5,7 triệu m3/tấn.

Dự báo nhu cầu xăng dầu hồi phục, lợi nhuận Petrolimex tăng mạnh năm 2021 - Ảnh 5.

Xe chở nhiên liệu bay của Petrolimex tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

SSI ước tính giá xăng dầu bình quân năm 2021 sẽ phục hồi 21% so với năm trước. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ nhiên liệu bay được dự báo sẽ phục hồi 15%. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Petrolimex trong năm 2021 có khả năng đạt lần lượt 162.300 tỷ đồng và 5.070 tỷ đồng, tăng tương ứng 31% và 263% so với năm 2020.

Với năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của Petrolimex có thể tăng 23% so với năm 2021, đạt 6.250 tỷ đồng và vượt mức năm 2019 nhờ sự phục hồi hoàn toàn của mảng nhiên liệu bay và sự tăng trưởng hữu cơ từ các mảng khác.

Chứng khoán HSC cho rằng các đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của Petrolimex.

Đức Quyền