Dự báo giá heo hơi ngày 6/9: Ổn định tại cả ba miền
Giá heo hơi ngày 5/9 tăng rải rác tại một số địa phương
Trong phiên sáng nay, giá heo hơi của khu vực miền Bắc có sự điều chỉnh tăng nhẹ tại Vĩnh Phúc, lên 66.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá giao dịch heo hơi không ghi nhận sự biến động mới. Các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Ninh Thuận vẫn là những địa phương có giá thu mua thấp nhất 62.000 đồng/kg. Các tỉnh thành khác trong khu vực giao dịch trong khoảng từ 63.000 - 65.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi phía Nam tăng 1.000 đồng/kg tại Bến Tre và Bạc Liêu. Hiện giá thu mua tại hai tỉnh này lần lượt là 62.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam hôm nay từ 62.000 - 64.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể đứng yên vào ngày mai do thị trường đang có xu hướng ổn định trở lại.
Điện Biên: Giá heo hơi tăng, người nuôi vẫn thận trọng tái đàn
Theo Báo Điện Biên Phủ Online, sau một thời gian dài ảm đạm, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã đạt mức giá cao nhất trong khoảng hai năm qua, duy trì ở mức từ 62.000 - 65.000 đồng/kg, có thời điểm trên 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lưỡng lự nên hay không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm hiện nay. Bởi, theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí đầu tư cho mỗi con heo đến khi đạt trọng lượng xuất chuồng (khoảng 100kg) mất khoảng từ 4 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, rủi ro về dịch bệnh hiện nay là rất khó lường.
Bên cạnh đó, giá heo hơi trên thị trường cũng còn bấp bênh, rất khó dự đoán. Vì vậy, nếu vội vàng tái đàn, tăng đàn mà giá cả không ổn định hoặc dịch bệnh thì sẽ thua lỗ, không thu hồi được vốn, thậm chí mất trắng.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 198 hộ chăn nuôi, với tổng số lượng phải tiêu hủy là 757 con heo, với trọng lượng hơn 39 tấn, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Điện Biên. Có nhiều hộ dân chết cả đàn heo vài chục con, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong khoảng hai năm qua đối mặt với nhiều nghịch lý: Giá cám tăng - giá heo giảm, giá heo tăng - không còn heo để bán. Nhiều hộ chăn nuôi, doanh nghiệp phải giảm đàn, thậm chí “treo chuồng” vì không gánh nổi thua lỗ.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, hiện nay đại đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nuôi cầm chừng hoặc “treo” chuồng, còn doanh nghiệp, trang trại lớn hầu hết đã giảm đàn. Vì vậy, khi giá heo tăng nhưng không còn heo để bán.