|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 3/6: Thị trường vẫn kéo dài đà giảm?

18:30 | 02/06/2022
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (2/6) giảm cao nhất 2.000 đồng/kg. Các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá heo hơi lại duy trì ở mức thấp khiến người chăn nuôi tại Đắk Lắk gặp khó khăn “kép”.

Giá heo hơi hôm nay giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg

Xem thêm: Dự báo giá heo hơi hôm nay 4/6

Tại miền Bắc, giá heo hơi hôm nay giảm nhẹ tại một vài địa phương. Theo đó, thương lái ở các tỉnh thành như Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội hiện đang thu mua heo hơi tại ngưỡng 57.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg, chung giá với hai tỉnh Thái Bình và Ninh Bình. Các địa phương còn lại giữ nguyên mức giao dịch là 56.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chứng kiến giá heo hơi hôm nay giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh giá thu mua heo hơi xuống còn 54.000 đồng/kg, ngang bằng với các tỉnh như Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế. Thương lái tại Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận đang cùng giao dịch với giá 56.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại tiếp tục neo ổn định với giá 55.000 đồng/kg.

Giá heo hơi miền Nam hôm nay giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Hiện tại, sau khi hạ nhẹ một giá, thương lái tại TP HCM, Tây Ninh, Cần Thơ và Hậu Giang cùng thu mua heo hơi chung giá là 56.000 đồng/kg. Tương tự, các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang cùng giảm 2.000 đồng/kg, lần lượt giao dịch với giá 55.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá. 

 Ảnh: Thanh Hạ

“Bão giá” thức ăn khiến người nuôi heo Đắk Lắk nản lòng

Theo ông Trần Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk, tổng đàn heo ở tỉnh hiện khoảng 860.000 con. Giá heo hơi hiện tại khoảng 55.000 đồng/kg, bằng 77% so với giá heo hơi cùng thời điểm năm 2021, nhưng giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng lên 40% nên người chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn, theo VOV.

Ông Sơn cho rằng, người chăn nuôi cần tăng cường tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đồng thời rút ngắn chuỗi phân phối để giảm giá thức ăn chăn nuôi. Người chăn nuôi nên chủ động tăng cường trồng ngô, mỳ, đậu nành làm nguyên liệu phối trộn thức ăn thay thế hàng nhập khẩu. Ngoài ra, bà con có thể chủ động nuôi cá, giun trùn quế để chế biến thành bột để bổ sung nguồn đạm, hạ giá thành, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

“Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần sắp xếp lại phương thức tổ chức sản xuất, cần tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chi hội sản xuất chăn nuôi để thương thảo, mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất. Mặt khác, bà con có thể nghiên cứu chuyển dịch, cơ cấu lại đàn vật nuôi hợp lý, phù hợp với khả năng, hoàn cảnh như tăng cường nuôi loại vật nuôi ăn cỏ, ăn thảo mộc để thay thế”, ông Sơn khuyến cáo.

Để ngành chăn nuôi nâng sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà chăn nuôi thì việc hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi ngoại nhập là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ, kết nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, siêu thị giúp ổn định đầu ra sản phẩm. Nếu không giải quyết được bài toán này, những khó khăn của người chăn nuôi sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Thanh Hạ