Dự báo giá heo hơi ngày 13/10: Đà giảm liệu có chững lại trong thời gian tới?
Giá heo hơi hôm nay giảm sâu, thấp nhất là 35.000 đồng/kg
Tại miền Bắc, giá heo hơi đồng loạt đi xuống trong hôm nay. Cụ thể, hai tỉnh Ninh Bình và Bắc Giang giảm lần lượt từ 4.000 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg về khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Tương tự, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình và Hà Nam giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 35.000 - 38.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 -2.000 đồng/kg, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và TP Hà Nội đang giao dịch ở mức 39.000 đồng/kg..
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục chuỗi ngày điều chỉnh giảm trong hôm nay. Theo đó, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Quảng Bình giảm 1.000 - 2000 đồng/kg xuống khoảng 43.000 - 45.000 đồng/kg. Sau khi giảm 3.000 đồng/kg, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế hiện thu mua heo hơi ở mức thấp nhất - cao nhất khu vực là 38.000 đồng/kg và 45.000 đồng/kg. Còn tại Hà Tĩnh, giá heo hơi giảm 5.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam ghi nhận giảm từ 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg trong hôm nay. Trong đó, Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và Tây Ninh đang thu mua heo hơi tại mức 41.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Thương lái tỉnh Vũng Tàu đang thu mua heo hơi chung mức 41.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại đang duy trì giá thu mua quanh ngưỡng trung bình là 42.000 đồng/kg.
Phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam
Thời gian gần đây, dịch lở mồm long móng lại có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Dù tỉ lệ tử vong không cao nhưng do tốc độ lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát nên biện pháp thường dùng nhất để dập dịch khi phát hiện ra ổ dịch lở mồm long móng trên lợn là tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh.
Ở Việt Nam, ba kiểu virus lở mồm long móng phổ biến nhất là type O, A, Asia 1, nằm trong số 7 loại vi rút trên thế giới. Gia súc có thể miễn dịch với virus type O sau khi khỏi bệnh lở mồm long móng do virus type O gây ra, nhưng vẫn có thể tiếp tục mắc bệnh nếu gặp phải vi rút loại khác.
Trong bối cảnh virus lở mồm long móng liên tục biến đổi như vậy, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh vẫn là tiêm vắc-xin kết hợp với thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi, PGS.TS Lê Văn Phan đưa ra khuyến nghị, theo báo Khoa học Phát triển.
Tiêm vắc-xin có lẽ là một giải pháp đã quá quen thuộc, song không phải người chăn nuôi nào cũng biết cách áp dụng hiệu quả. Do vậy, trước và sau khi tiêm vắc-xin lở mồm long móng, các hộ chăn nuôi nên theo dõi mức độ hiệu quả bằng cách xét nghiệm huyết thanh của vật nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng phải đầu tư chuồng trại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn chặn sự lây nhiễm của mầm bệnh,… theo hướng an toàn sinh học một cách lâu dài và có sự đầu tư nhất định.