|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 1/7: Giá thu mua sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới?

18:30 | 30/06/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (30/6) đồng loạt giảm giá tại ba miền. Tự chủ nguyên, vật liệu, chủ động nguồn cung ứng trong chăn nuôi là vẫn là bài toán khó và lâu dài mà Ngành Chăn nuôi của Việt Nam cần chủ động và phát triển.

Giá heo hơi hôm nay điều chỉnh giảm từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg

Xem thêm: Dự báo giá heo hơi ngày 2/7

Giá heo hơi hôm nay tại thị trường miền Bắc ghi nhận xu hướng giảm nhẹ trong hôm nay. Hưng Yên điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 66.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến đổi mới về giá so với ngày hôm qua, mức giá giao dịch ổn định trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên điều chỉnh giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lần lượt giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch chung mốc 69.000 đồng/kg. Hà Tĩnh hạ nhẹ một giá, điều chỉnh giá thu mua tương ứng là 66.000 đồng/kg. Nghệ An giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 63.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá thấp nhất trong khu vực tính tới thời điểm hiện tại. 

Thị trường heo hơi miền Nam hôm nay giảm rải rác ở một số tỉnh thành trong khu vực. Theo đó, Sóc Trăng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg. Cùng giao dịch ở mốc 67.000 đồng/kg còn có tỉnh Đồng Tháp sau khi giảm 3.000 đồng/kg trong hôm nay. Tương tự, thương lái tỉnh Tiền Giang hiện thu mua heo hơi với giá là 64.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg.

Dự báo giá heo hơi ngày 1/7: Giá thu mua sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới? - Ảnh 1.

Nguồn: istockphoto

Ngành Chăn nuôi cần chủ động hơn trong nguồn nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất

Là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Tự chủ nguyên, vật liệu, chủ động nguồn cung ứng hàng hóa và các yếu tố khác là cơ sở để nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp (DN) phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, đây là bài toán khó và lâu dài đối với Việt Nam theo báo Đồng Nai.

Đối với nguyên, phụ liệu cho ngành chăn nuôi, theo Giáo sư - Tiến sĩ Chế Minh Tùng, Trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi - Thú y Trường đại học Nông lâm TP HCM, ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương. Đó là vì không có chỗ dựa vững chắc, chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa tự chủ được về con giống, nguyên liệu thức ăn. 

Đây là những yếu tố cấu thành nên từ 70 - 80% giá thành của chăn nuôi. Quy mô ngành chăn nuôi, nhất là những loài thiết yếu như: chăn nuôi heo còn mang tính nhỏ lẻ đối với hộ nông dân, khi có biến động sẽ gặp bất lợi lớn. Hoặc người dân cũng phần nhiều chăn nuôi gia công cho các DN lớn của nước ngoài nên giá trị thực chất mang lại cho người chăn nuôi không cao.

Theo ông Tùng, muốn phát triển theo hướng bền vững, hiện đại thì điều cần thiết đầu tiên là giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi là giống và thức ăn. Nhà nước cần có chính sách tự chủ trong nguồn giống, xây dựng vùng nguyên liệu chăn nuôi; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nội đầu tư mạnh vào chăn nuôi.

Nhã Lam