Dự báo giá heo hơi 9/5: Phục hồi vào ngày mai?
Giá heo hơi tiếp tục đà giảm trên diện rộng
Giá heo hơi miền Bắc hôm nay biến động không đồng nhất, có nơi ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg nhưng có nơi lại tăng trong khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg như Thái Nguyên, Thái Bình. Giá dao động của khu vực này trong khoảng 30.000 - 36.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Trung, Tây Nguyên hôm nay giảm mạnh nhất đến 4.000 đồng/kg, giá dao động trong khoảng 33.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam cũng giảm khá sâu đến 3 giá, xuống còn 34.000 - 39.000 đồng/kg. TP HCM là địa phương có mức giảm ít nhất, giảm 1.000 đồng xuống còn 38.000 đồng/kg.
Theo trang zhujiage, giá heo hơi tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ so với ngày hôm qua xuống 15,08 nhân dân tệ/kg (tương đương 52.000 đồng/kg), dù số tỉnh tăng giá đã nhiều hơn, nhưng khu vực giảm giá vẫn chiếm ưu thế.
Cụ thể, trong số các tỉnh công bố dữ liệu có 13 tỉnh tăng giá, còn lại là giảm giá hoặc không thay đổi so với ngày hôm trước. Trong đó, biên độ tăng của giá heo hơi ghi nhận ở mức 0,02 - 0,5 nhân dân tệ/kg; còn biên độ giảm là 0,01 - 0,4 nhân dân tệ/kg.
Hiện tại, giá heo hơi cao nhất cả nước là tại Chiết Giang, bình quân đạt 16,67 nhân dân tệ/kg (tương đương 57.534,4 đồng/kg); mức giá thấp nhất vẫn tại Tân Cương, trung bình đạt 10,97 nhân dân tệ/kg (khoảng 37.861,57 đồng/kg).
Ảnh minh họa.
Mỹ lo ngại dịch tả heo châu Phi tàn phá ngành công nghiệp thịt heo
Theo số liệu thống kê, có it nhất 129 trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) tại Trung Quốc đã được báo cáo kể từ tháng 8/2018 và dịch bệnh đã lây lan sang các khu vực lân cận tại châu Á.
Hiện, Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn chưa tiết lộ số lượng heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên Rabobank ước tính có đến 200 triệu con heo đã bị ảnh hưởng và sản lượng thịt heo có thể giảm 30%. Tại Mỹ, số lượng heo đạt tổng cộng 75 triệu con.
Theo đó, nhiều chuyên gia của Mỹ tỏ ra lo ngại rằng, thức ăn chăn nuôi có thể mang mầm bệnh của dịch tả heo châu Phi, trong khi Mỹ đang sử dụng vitamin và khoáng vi lượng từ nhà sản xuất Trung Quốc để nuôi đàn heo. Điều này có thể tàn phá ngành công nghiệp thịt heo trị giá hơn 20 tỉ USD của Mỹ.
Cùng với thức ăn bị nhiễm dịch, các chuyên gia cho rằng dịch tả heo châu Phi có thể lây lan từ chất thải và thịt của heo cũng như từ heo rừng và động vật ăn rác chưa nấu chín.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa cấm nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc, tuy nhiên một số chuyên gia đã khuyến nghị cách li đối với thức ăn nhập khẩu ít nhất 20 ngày trước khi sử dụng.