|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án xứ sở hạnh phúc của nữ tỷ phú miền Tây hợp tác với cha Micheal Jackson giờ ra sao?

11:50 | 08/03/2018
Chia sẻ
Dự án Happyland của nữ đại gia Phan Thị Phương Thảo từng gây bão không chỉ bởi mức đầu tư 2 tỷ USD, mà còn nhờ hợp đồng hợp tác với cha của Michael Jackson. Tuy nhiên, hợp đồng đổ vỡ, Happyland bị bỏ hoang, trong khi chủ đầu tư rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Dự án Happyland (hay còn gọi là Xứ sở hạnh phúc) có diện tích rộng 688 ha (nằm ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) được giới thiệu là vị trí đắc địa bởi nằm gần trục đường cao tốc và Quốc lộ 1A nối liền TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai đường cao tốc sẽ kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cách cửa khẩu Campuchia chỉ khoảng 30 km.

Happyland còn là dự án nằm trong đề án Phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Ngày 14/2/2011, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (công ty con của Tập đoàn Khang Thông) khởi động khu phức hợp giải trí Happyland với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô giai đoạn 1 của dự án (DA) 338ha, giai đoạn 2 là 350ha.

Trong quy hoạch tổng thể dự án, Khang Thông đầu tư khoảng 600 triệu USD xây dựng công viên chủ đề 100ha. Các hạng mục còn lại chủ yếu kêu gọi các đối tác lớn trong và ngoài nước đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý II/2014 (sau 4 năm thi công).

Dự án này được thiết kế cho lượng du khách lên đến 14 triệu lượt người/năm. Tập đoàn Khang Thông từng kỳ vọng Happyland không đơn thuần là một công viên mà trong khu phức hợp này bao gồm nhiều hạng mục phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm… lưu trú, hội nghị và sản xuất chương trình.

Hy vọng lớn, thất vọng nhiều. Sau ngày khởi công, dự án rơi vào trạng thái “phủ mền đắp chiếu”. Ngoài cổng chào được xây dựng xong thì một số hạng mục khác vẫn ì ạch. Cụ thể, một số hạng mục là khu vui chơi, giải trí…trong tương lại vẫn là một bãi đất sình lầy, đầy cỏ mọc…

du an xu so hanh phuc cua nu ty phu mien tay hop tac voi cha micheal jackson gio ra sao

Cổng vào dự án Happyland.

Theo báo cáo của chủ dự án, do điều kiện kinh tế khó khăn, công ty sẽ triển khai dự án và đưa vào khai thác theo hình thức cuốn chiếu, phấn đấu đến cuối năm 2014, đầu năm 2015 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác một phần của dự án.

Trên trang thông tin điện tử của tập đoàn Khang Thông, dự án Happyland đã được "vẽ" ra làm hàng chục giai đoạn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng được công bố cũng chỉ mới dừng lại ở năm 2011, ngay sau khi lễ khởi công dự án diễn ra.

Năm 2012, Khang Thông cho biết dự án này đã thu hút hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực muốn tham gia đầu tư và quảng bá dự án, trong đó có cả ông Joseph Walter Jackson - cha của cố ca sĩ Michael Jackson.

Tuy nhiên vào tháng 9/2012, ông Joseph Walter Jackson đã tuyên bố sẽ không tham gia vào dự án.

Sau đó, Văn phòng của ông Joseph Walter Jackson đã đưa ra lý do cha của cố ca sĩ Michael Jackson rút khỏi dự án Happyland.

Theo đó, ông Joseph cho biết, lúc sinh thời, Michael Jackson từng có ước muốn xây dựng khu vui chơi giải trí, do vậy ông đã đồng ý tham gia vào dự án này với vai trò là người đi quảng bá dự án khắp thế giới và giúp bà Thảo tìm nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào dự án này. Ông cũng nói rõ mình chỉ là người có nhiêm vụ đi quảng bá cho dự án theo như ký kết với chủ đầu tư, chứ không phải là người đầu tư (bỏ tiền) vào dự án này.

Trong vai trò là người đi quảng bá, ông Jackson cho biết đã tiếp xúc với nhiều người giàu có có mối liên hệ thân thiết với gia đình ông, và nhiều người cũng quan tâm tới dự án này.

Ông Joseph cho biết bà Thảo từng có ý định sẽ xây một nhà bảo tàng (trong dự án Happyland) để trưng bày các kỷ vật (Michael Jackson Memorabilia - his very private belongings) của Michael Jackson. Và theo yêu cầu của bà Thảo, gia đình ông đã ngưng bán và mua lại những vật dụng của Michael Jackson.

Tuy nhiên, cố vấn của ông cho biết chưa có hóa đơn nào được thanh toán (phía chủ đầu tư thanh toán). Không nhận được sự cam kết tài chính mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, ông Joseph cho biết đã quyết định rút lui và không còn liên quan gì tới dự án này.

Sau vụ việc này, dự án Happyland bị “phủ mền đắp chiếu”, trong khi chủ đầu tư rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tháng 2/2015, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM đã ra hai phán quyết buộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An phải trả cho một công ty tại Nga số tiền hơn 5,125 triệu USD (gần 118 tỷ đồng). Trong đó bao gồm hơn 4,5 triệu USD tiền gốc, 625 ngàn USD tiền lãi chậm trả và phí trọng tài.

Năm 2016, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã có 2 quyết định ủy thác cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An thi hành án.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An còn phải thi hành hơn 674 tỷ đồng do nợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị khác. Trong đó có hơn 617 tỷ đồng cùng lãi chậm thi hành án từ việc nợ của Chi nhánh Agribank Bình Chánh TP.HCM và 1,5 tỷ đồng cùng lãi phát sinh chậm thi hành án do nợ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An.

Nếu chỉ tính riêng số nợ mà Công ty Phú An phải trả cho doanh nghiệp của Nga và các tập thể, cá nhân trong nước đã lên tới gần 800 tỷ đồng.

Tháng 5/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch cưỡng chế thi hành án để kê biên tài sản đối với Công ty Phú An. Sau đó, doanh nghiệp này xin tạm dời lại 2 tháng với lý do đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần của công ty.

Đến đầu tháng 8, công ty lại tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng 8 để giải quyết nợ nần vì cho rằng đã ký được hợp đồng với một đối tác từ nước ngoài.

Đầu tháng 9, công ty này lại tiếp tục gia hạn lần nữa, Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An cho biết, 350 ha đất tại dự án Happyland được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng cũng đã được chủ đầu tư đem thế chấp toàn bộ. Nhận thấy công ty không có khả năng giải quyết nợ nên báo cáo tỉnh Long An tiếp tục kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Trong khi đó, Công an tỉnh Long An cũng đã cấm xuất cảnh đối với bà Thảo.

Tháng 11/2017, Tập đoàn Khang Thông của nữ đại gia Phan Thị Phương Thảo cho biết, Tập đoàn này đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 88% cổ phần của dự án Happyland cho Công ty TNHH Vina Oscar Hotel tại Hong Kong, Trung Quốc.

Cũng trong thời gian này, Chủ đầu tư cho xây dựng thêm một số hạng mục trọng điểm của dự án Happyland (Bến Lức, Long An) như khu khách sạn 5 sao hơn 1.000 phòng, khu resort, khu giải trí...

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 3/2018, website của Tập đoàn Khang Thông vẫn chưa cập nhật thêm tiến độ mới từ dự án Happyland.

Không có nhiều thông tin về đối tác đã bỏ khoảng 15.000 tỷ đồng mua lại phần lớn dự án của Tập đoàn Khang Thông.

Theo Hồ sơ Panama được công bố bởi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), có một pháp nhân là Vina Oscar Hotel Limited được thành lập ngày 10/12/1990 tại Hong Kong và đăng ký lãnh thổ tài phán (Jurisdiction) là quần đảo British Virgin Islands.

Liệu Vina Oscar Hotel có đủ sức giúp Khang Thông hoàn thành dự án Happyland?

Bà chủ Tập đoàn Khang Thông Phan Thị Phương Thảo là người đứng tên 15 công ty. Nhưng, đến thời điểm hiện tại có đến 8 công ty đã ngừng hoạt động không rõ lý do.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thủy Tiên

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.