Dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La: Doanh nghiệp bần cùng vì chưa được thanh toán
Một góc khu tái định cư thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vũ Lam
Dồn sức hoàn thành dự án
Nhớ lại quãng thời gian năm 2008 và 2009 - thời điểm mà tỉnh Điện Biên dồn sức di chuyển 4.459 hộ dân (với 17.010 nhân khẩu) ra khỏi vùng ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La, ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 (tỉnh Điện Biên) chia sẻ, khối lượng công việc lớn, số dân phải di chuyển nhiều, trong khi thời gian thi công các hạng mục dự án không còn nhiều, nên tất cả nhà thầu được giao thực hiện các dự án thành phần tại tỉnh Điện Biên đều huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện làm việc 3 ca mỗi ngày cho kịp tiến độ.
Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, trên công trường ở thị xã Mường Lay, huyện Tủa Chùa, TP. Điện Biên Phủ đều rền vang tiếng máy. Ưu tiên cho tiến độ, chất lượng công trình, không ít doanh nghiệp còn ứng tiền để chủ đầu tư chi trả đền bù cho người dân tái định cư mà không suy tính thiệt hơn.
Ngày 12/4/2016, UBND tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn và công bố những con số ấn tượng: hoàn thành di chuyển 4.459 hộ dân khỏi vùng ngập lòng hồ; hoàn thành 11 khu, 11 điểm tái định cư, tiếp nhận 4.329 hộ.
Các khu, điểm tái định cư được xây dựng cơ bản phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo diện mạo mới về hạ tầng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được đáp ứng đầy đủ, giúp ổn định sản xuất, thu nhập bình quân của người dân tăng 3,2 lần so với trước khi di chuyển (năm 2005).
Doanh nghiệp nợ chồng nợ
Thành công trong việc di dân, tái định cư, nhưng các doanh nghiệp tham gia các dự án thành phần trong Dự án tổng thể đến nay vẫn “khóc dở mếu dở” vì chưa được thanh toán.
Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà , với công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy (trong khi Thủy điện Hòa Bình là 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu là 1.200 MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Để phục vụ xây dựng Thủy điện Sơn La, hơn 20.000 hộ dân thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho dự án. Trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 nhân khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 nhân khẩu; tỉnh Lai Châu là 3.324 hộ, 16.419 nhân khẩu.
Không ít doanh nghiệp trước nhiệt tình, trách nhiệm bao nhiêu, bây giờ chán nản vì bế tắc bấy nhiêu. Bao nhiêu vốn liếng, tài sản dồn hết để thi công các dự án, công trình phục vụ tái định cư, vậy mà dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã mấy năm trời, họ vẫn chưa được thanh toán, trong khi tiền vay ngân hàng cứ mỗi ngày “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Trường Thọ, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trường Thọ bức xúc: “Doanh nghiệp Trường Thọ hoàn thành thi công dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Khe Chít thuộc Khu tái định cư Noong Bua từ tháng 6/2017, giá trị nghiệm thu trên 36 tỷ đồng, nhưng hiện còn 12,9 tỷ đồng chưa được thanh toán. Sau nhiều lần kiến nghị, ông Vũ Lệnh Nghị, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết, hiện Trung ương chưa cấp vốn cho tỉnh, nên tỉnh không thể có tiền chi trả cho doanh nghiệp đã tham gia thi công.
“Khi có tiền, tỉnh sẽ lập tức thanh toán cho doanh nghiệp”, ông Nghị cam kết.
Chung tình trạng như doanh nghiệp Trường Thọ là Doanh nghiệp Song Hùng, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng 1-5, Công ty Đầu tư và Xây dựng Mạnh Quân, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6... còn hơn 300 tỷ đồng chưa được thanh toán cho khối lượng dự án đã hoàn thành từ năm 2015 và 2016.
Các doanh nghiệp này đang rất khó khăn, rơi vào cảnh hết vốn hoạt động.
Tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Điện Biên với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (tháng 6/2019), ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành phải vào cuộc, thanh toán dứt điểm các công trình, dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư đã hoàn thành quyết toán; đặc biệt là các công trình, dự án đã hoàn thành trước ngày 31/12/2015 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1828/TTg-KTN ngày 14/10/2015.
“Doanh nghiệp đã chung tay cùng tỉnh Điện Biên thực hiện dự án, giờ là lúc doanh nghiệp rất cần tỉnh, Trung ương và các cấp, các ngành chung tay giải quyết tồn đọng vốn”, ông Bùi Đức Giang nói.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên xác nhận cụ thể về số tiền Trung ương đang nợ doanh nghiệp đã thực hiện Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên là 323 tỷ đồng.
Trong đó, nợ khối lượng đã hoàn thành từ năm 2015 là 134,948 tỷ đồng; nợ khối lượng đã hoàn thành từ năm 2016 đến nay là 170 tỷ đồng và thiếu để giải ngân thanh toán dứt điểm khi dự án hoàn thành là 102 tỷ đồng.
“Suốt từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Điện Biên liên tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bố trí vốn Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La cho tỉnh Điện Biên, nhưng chưa được giải quyết. Chúng tôi rất cảm thông với doanh nghiệp, nhưng không biết phải làm sao”, ông Sơn nói.