Dự án ODA cứ làm vài tháng lại nằm chờ vốn
Thực trạng 'đói' vốn đối ứng được ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Tài chính nêu tại Hội nghị trực tuyến với 5 bộ và các cơ quan, Ban quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ở 63 địa phương sáng 13/9. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA hiện nay.
Ông Dũng dẫn câu chuyện tại Bộ Giáo dục & Đào tạo khi đến nay mới giải ngân đạt 25% kế hoạch dù vốn ODA đã cầm về. Thiếu vốn đối ứng nên nhiều dự án làm được một vài tháng lại nằm chờ vốn.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Giang Huy
Bộ trưởng Tài chính khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương cần phải rút kinh nghiệm, nghiên cứu lại vốn đối ứng vì lúc lập, xem xét dự án, đơn vị nào cũng cam kết hoàn thành, nhưng khi đi vào thực hiện thì bế tắc.
Tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đến cuối tháng 8 ước mới được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng). Riêng 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt 3,4% kế hoạch được giao. Nguyên nhân, theo ông Dũng, chủ yếu là vướng mắc trong giao kế hoạch vốn chậm, thiếu; phân bổ vốn chưa sát, thủ tục kéo dài...
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo tình hình 6 dự án ODA của thành phố, trong đó có 4 dự án đang đạt mức giải ngân rất thấp. Theo ông Quý, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, năm 2019, kế hoạch giao 3.274 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 8 mới giao được 34% kế hoạch.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đến nay mới giải ngân đạt 5% kế hoạch. Năm 2019 được giao 393 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 8 mới giải ngân 18,4 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội cũng mới giải ngân đạt 8,5%.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA của thành phố theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.