Dự án Hành lang khí đốt phương Nam đối với an ninh năng lượng châu Âu
Dự án Hành lang khí đốt phương Nam đối với an ninh năng lượng châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin Reuters (Anh) đã đăng bài phân tích của Agnia Grigas, chuyên gia cấp cao thuộc hội đồng cố vấn về các lĩnh vực quan hệ quốc tế Atlantic Council (Washington, DC). Theo tác giả, Tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolian (TANAP) của châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một dấu mốc quan trọng khi hoạt động xây dựng hoàn thành được một nửa vào cuối năm 2016.
Nếu thành công như kế hoạch, hành lang trên sẽ vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspi tới thị trường châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga. Và có lẽ điều quan trọng hơn đối với châu Âu là tiến triển của dự án này sẽ tạo ra xu hướng mới cho những thay đổi sâu rộng đang diễn ra trên các thị trường khí đốt thiên nhiên toàn cầu.
Sản lượng khí thiên nhiên toàn cầu gia tăng, các cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt mới được xây dựng ngày càng nhiều, giá khí đốt thiên nhiên giảm, tăng trưởng trong hoạt động giao thương khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu có được nhiều quyền chọn hơn.
Điều này đồng thời làm giảm ảnh hưởng của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, cũng như tạo ra những thay đổi đối với an ninh năng lượng châu Âu trong những năm tới.
Tầm quan trọng của dự án Hành lang khí đốt phương Nam bắt nguồn từ cả nguyên nhân chính trị cũng như vấn đề nhiên liệu. Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng dự án này để không phụ thuộc vào những đường ống dẫn khí đốt do Nga kiểm soát và tránh các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể phát sinh.
Ví dụ như khi Gazprom cắt nguồn cung khí đốt cho khu trung tâm trung chuyển khí đốt của châu Âu ở Ukraine trong mùa đông lạnh giá năm 2009, dẫn tới gián đoạn nguồn cung nhiên liệu sưởi ấm của các nước thành viên EU như Hungary, Romania và Ba Lan.
Quan hệ giữa Brussels và Moscow trở nên xấu hơn nữa khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014. Ngoài ra, triển vọng Nga bỏ qua cơ sở trung chuyển Ukraine bằng cách xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng của dự án này đối với EU.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hành lang khí đốt phương Nam sẽ vận chuyển khoảng 10 tỷ m3 (BCM) - khoảng 353 tỷ feet khối - khí đốt thiên nhiên từ mỏ khí Shah Deniz II của Azerbaijan đến Albania, Italy, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Đến năm 2026, con số này sẽ tăng lên 31 tỷ m3.
Đường ống TANAP chuyển khí đốt từ các cơ sở trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ là phân đoạn thứ hai của Hành lang khí đốt phương Nam, còn phân đoạn một là đường ống South Caucasus đi qua Azerbaijan và Georgia. Phân đoạn thứ ba là Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) kéo dài từ Hy Lạp và Albania đến Italy.
Dù vậy, tương lai của dự án này ở Italy có vẻ khá mờ nhạt. Sự phản đối của người dân địa phương về việc đường ống khí đốt này đi qua vùng Puglia của Italy có thể gia tăng sau khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp.
Mặt khác, an ninh năng lượng châu Âu không chỉ phụ thuộc vào Hành lang khí đốt phương Nam mà còn gắn liền với những xu thế mới của thị trường khí đốt trong tương lai. Sản lượng khí thiên nhiên toàn cầu gia tăng, được thúc đẩy nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến của Mỹ, tăng 27% trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015.
Điều đó dẫn tới tình trạng dư thừa khí đốt tự nhiên lớn nhất trong một thập kỷ qua, vào khoảng 70 tỷ m3 trong năm 2015.
Kết quả là giá xăng tại nhiều thị trường giảm mạnh. Ví dụ như ở Anh, giá xăng đã giảm từ 11 USD/mmBtu (triệu đơn vị nhiệt Anh) vào năm 2011 xuống còn khoảng 4 USD/mmBtu vào giữa năm 2016. Xuất nhập khẩu LNG đã tăng mạnh với khối lượng LNG trao đổi trên toàn cầu thiết lập mức cao kỷ lục, 244,8 triệu tấn trong năm 2015.
Các cơ sở hạ tầng khí đốt mới đã được phát triển song song với tăng trưởng nguồn cung và thương mại. Tại châu Âu, các đường ống dẫn khí và cảng giao nhận LNG, đặc biệt là ở phía Đông Bắc, dù chậm song dần dần làm suy yếu quyền bá chủ đường ống dẫn khí đốt của Nga.
Vào cuối năm 2014, Lithuania mở cảng nhập khẩu LNG ở Klaipėda, và trong năm 2016 cảng nhập khẩu khí LNG Swinoujscie ở Ba Lan cũng nhận được chuyến hàng đầu tiên. Các cảng giao nhận LNG, cùng với những đường ống dẫn khí đốt hiện có và đang trong quá trình xây dựng trong khu vực, cho phép các nước Trung và Đông Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt ngoài Gazprom.
Dù vậy, dự án Hành lang khí đốt phương Nam vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ Gazprom. Trong năm 2015, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt thiên nhiên của Bulgaria, Slovakia và Hungary dao động từ 70 đến gần 90%.
Hơn nữa, kế hoạch xây dựng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đưa khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tiến sâu hơn vào miền Đông Nam châu Âu, có thể tăng cường sự hiện diện của Gazprom trong khu vực.
Quan trọng hơn, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ bị tác động không chỉ trước những thay đổi đang diễn ra trên thị trường khí đốt toàn cầu, mà còn cả sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia châu Âu trong một liên minh vốn đang bị nhiều yếu tố bất định bủa vây.