Dự án giai đoạn 2 Thép Thái Nguyên: Sai nghiêm trọng từ hồ sơ
Bên cạnh đó, những khoản tiền liên tục được chi ra một cách bất thường để thanh toán cho nhà thầu Trung Quốc MCC vẫn là điều hết sức khó hiểu.
Dù đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào giai đoạn 2 Thép Thái Nguyên nhưng đến nay nhà máy không thể hoạt động được Ảnh: Nguyễn Bằng
Tự điều chỉnh hợp đồng nghìn tỷ không ai biết?
Theo tài liệu của PV Tiền Phong có được, những biến báo trong quá trình lập hồ sơ đánh giá tiền khả thi, những điều chỉnh về vốn, kỹ thuật và các loại thiết bị nhà máy của những người tham gia triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO2) đã khiến dự án ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kéo dài.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong vụ đại án TISCO 2, hàng loạt vi phạm nghiêm trọng đã được các lãnh đạo TISCO che giấu để dự án được thông qua.
Đáng chú ý nhất là việc TISCO lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đầy đủ, cốt để dự án được thông qua khi trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí, các lãnh đạo TISCO còn lập Ban Quản lý dự án không đủ năng lực, dẫn đến tự ý điều chỉnh thiết kế cơ sở không đúng quy định.
Những việc này dẫn đến Bộ Công Thương sau đó có ý kiến với Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư mà không thẩm định những nội dung thay đổi.
Thậm chí, ở nhiều văn bản, lãnh đạo TISCO còn giấu cả các nội dung điều chỉnh và bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có nhiều khoản chi thêm vượt quy định của hợp đồng EPC lên tới hàng chục triệu USD.
“Lãnh đạo TISCO đã lập và trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ hơn 143,2 triệu USD lên hơn 160,9 triệu USD không đúng quy định tại khoản 26, điều 4; khoản 4 điều 6 của Luật Đấu thầu”, Kết luận Thanh tra chỉ rõ.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong sau này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, người có liên quan dự án này cũng thừa nhận việc điều chỉnh các khoản chi và tổng giá trị hợp đồng EPC là không đúng quy định.
Theo hợp đồng EPC, giá hợp đồng tổng thầu EPC là giá trọn gói, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế, vì vậy việc điều chỉnh là không được phép.
Hàng loạt văn bản ký vượt thẩm quyền
Hồ sơ phê duyệt dự án cho thấy, lãnh đạo TISCO và VNS đã giấu, không trình các cơ quan chức năng theo quy định cả danh sách các nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật theo quy định.
TISCO còn ký nhiều nội dung trong hợp đồng EPC không chặt chẽ với tổng thầu Trung Quốc và cũng không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng, dẫn đến việc thi công bị dây dưa mà không có chế tài xử lý.
Ngay cả quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nhà cung cấp, quy trình mua sắm thiết bị, việc ký các hợp đồng xây lắp ba bên, giám sát chất lượng máy móc, thiết bị và tự ý thanh toán cho nhà thầu phụ sau quy định của Luật Đầu thầu…. bị TISCO bỏ lơ trong suốt thời gian dài mà không ai biết hay có động thái can thiệp.
“Việc quản lý dự án không đúng quy định, điều chỉnh vượt thẩm quyền của TISCO đã gây bất lợi cho chính chủ đầu tư, kéo theo ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án, gây thất thoát vốn đầu tư”, Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương sau đó chỉ rõ.
Một trong những hành vi dối trá nghiêm trọng nhất của dự án là TISCO không hề lập dự toán, mà chỉ sử dụng số liệu của đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam (VINAICON) để trình VNS, các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chi phí phát sinh phần C trong hợp đồng EPC lên tới 15,57 triệu USD. Số tiền này được xác định là không có căn cứ để chi.
Các kết luận thanh tra của Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ về sau cho thấy, lãnh đạo TISCO còn có 15 vi phạm nghiêm trọng khác liên quan việc chỉ định thầu, điều chỉnh thầu, phê duyệt vượt thẩm quyền điều chỉnh dự án, thay đổi các hạng mục thi công, ký vượt quyền các phụ lục bổ sung điều chỉnh tiến độ cho nhà thầu cũng như thanh toán nhiều khoản không đúng quy định.
“Sai phạm nghiêm trọng nhưng chưa được nhắc đến của các cựu lãnh đạo TISCO ở dự án này chính là ký nhiều phụ lục thỏa thuận cho phép nhà thầu MCC thay đổi không ít loại máy móc, thiết bị không đúng quy cách chủng loại, sai khác về xuất xứ, mã hiệu, thông số kỹ thuật. Những thiết bị này đến nay không ai dám chắc có thể hoạt động được…”, một cựu lãnh đạo VNS nói.
Vẽ khống nhiều hạng mục
Tại thời điểm thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn hai, một số lãnh đạo VNS đã trình công suất thiết kế của dự án không đúng với quy hoạch, đươc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thậm chí, lãnh đạo VNS còn bỏ qua, không thẩm định năng lực nhà thầu tư vấn và tự thẩm định phê duyệt dự án ngay khi chưa có thiết kế cơ sở. Dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại không có cả thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng, không xác định cụ thể nguồn vốn tự có cũng như nguồn nguyên liệu để đảm bảo tính khả thi của dự án.