Dự án Alumin Tân Rai có lãi ngay từ năm 2017
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra hai nhà máy Alumin Tân Rai
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Dự án Tân Rai đã đi vào vận hành, sản xuất thương mại từ tháng 10/2013. Trước đó theo phương án đầu tư, Dự án Tân Rai sẽ lỗ kế hoạch trong 4 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh.
Đó là chưa kể từ ngày 1/1/2016, đã phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxit của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai, nên đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Mặc dù vậy, bằng những nỗ lực của Vinacomin trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí đã giảm giá thành sản phẩm alumin từ 5,183 triệu đồng/tấn năm 2014 xuống còn 4,666 triệu đồng/tấn năm 2015 và xuống còn 4,107 triệu đồng/tấn năm 2016 (giá thành phân xưởng).
Với giá xuất khẩu alumin của thị trường hiện nay trên 300 USD/tấn alumin, Dự án bắt đầu tự cân bằng thu chi, thời gian lỗ kế hoạch của Dự án Tân Rai dự kiến sẽ không bị tăng và bắt đầu có lãi ngay từ năm 2017.
Dự án đi vào hoạt động cũng đã đảm bảo việc làm ổn định, với chất lượng cao cho 1.700 lao động của Công ty Nhôm Lâm Đồng. Đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ Alumin.
Tại Dự án Tân Rai, giá trị thực hiện là 15.218 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư dự án đã duyệt (15.414 tỷ đồng). Hiện công trình đã nghiệm thu quyết toán và giải ngân đạt khoảng 12.683 tỷ đồng.
Phần còn lại chủ yếu là giá trị thanh toán lần cuối của Hợp đồng EPC (10% giá trị của hai hợp đồng). Dự kiến Ban Quản lý dự án sẽ hoàn thành công tác thanh quyết toán toàn bộ trong quý I/2017.
Dự án cũng đã nộp ngân sách trung ương và địa phương là 1.875 tỷ đồng (trong quá trình đầu tư xây dựng là 850 tỷ đồng và từ năm 2013 đến nay là 1.025 tỷ đồng).
Tại Dự án Alumin Nhân Cơ (Đak Nông), cho đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.
Dự án Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ có cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm. Nhà máy Tân Rai đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định từ tháng 10/2013. Năm 2016 đạt công suất 600.000 tấn và năm 2017 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm. Chất lượng quặng nguyên khai, quặng tinh và alumin đã đạt và vượt theo thiết kế và tiêu thụ tốt trên thị trường. Hiện sản phẩm alumin/hydrat đã được bán đến các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các khu vực tại thị trường Trung Đông, Malaysia... |
Từ ngày 30/9/2016, Nhà máy đã được đưa vào chạy thử có tải đồng bộ và ngày 16/12/2016 đã ra sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến ngày 31/12/2016 đã sản xuất được 45.711 tấn hydrat và 6.154 tấn alumin.
Sau khi nhà máy chạy ổn định sẽ tiến hành sát hạch các chỉ tiêu cam kết vận hành nhà máy theo Hợp đồng EPC, dự kiến trong quý I/2017 nhà thầu EPC sẽ bàn giao Nhà máy cho Vinacomin để đưa vào sản xuất.
Cũng từ thực tế sản xuất của Nhà máy Alumin Tân Rai, Vinacomin đã đề nghị và được nhà thầu EPC chấp nhận chỉnh sửa, cải tiến một số tồn tại lưu trình công nghệ, ở các khâu trung hòa quặng, nghiền quặng, cấp sữa vôi, thiết bị gia nhiệt ống chùm, khu vực hòa tách, khu lọc và kết tinh hydrat, khu lắng rửa bùn đỏ… nhằm hoàn thiện quá trình thao tác vận hành, tăng cường bảo vệ thiết bị tránh bị nhiễm nước hoặc kiềm, giảm hư hỏng thiết bị, tránh tắc nghẽn đường ống, giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả sử dụng cho thiết bị.
Nhà máy tuyển Nhân Cơ cũng đã có nhiều cải tiến về sơ đồ công nghệ tuyển, sử dụng 02 cấp sàng quay đánh tơi (Tân Rai chỉ sử dụng 1 cấp sàng); sử dụng sàng rung rửa để phân loại cỡ hạt +20mm; sử dụng ở cả 02 cấp đập bằng máy đập trục răng; cải tiến thiết bị cấp liệu xích để giảm bớt trơn trượt quặng trong quá trình vận hành…
Nhấn mạnh “việc bảo đảm môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, không thể chủ quan”, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường.
Khi 2 nhà máy đi vào hoạt động ổn định, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện 2 dự án. Yêu cầu của công tác đánh giá là phải đặt trong tổng thể phát triển ngành khai khoáng, ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam, phân tích thật kỹ mọi yếu tố kinh tế, xã hội, an sinh, quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu quy hoạch khu vực phát triển tổ hợp quy hoạch nhôm, trên cơ sở đó mở rộng tổ hợp, trong đó có nhiều dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm thứ cấp liên quan đến ngành nhôm để thực hiện các ngành công nghiệp khác, làm nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Cần tiếp tục rà soát lại dự án, kể cả dự án đang hoạt động hay đang chạy thử để tối ưu hoá, đặc biệt là khắc phục những nhân tố làm mất an toàn, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu, chủ đầu tư, các nhà thầu cần hoàn thiện các bước của dự án theo quy định của pháp luật; nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh.