|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dòng vốn đầu tư triệu USD từ các tập đoàn công nghệ thế giới giúp thay đổi diện mạo ngành điện tử Việt Nam

08:00 | 15/05/2022
Chia sẻ
Trong thời gian qua, bức tranh thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ của Việt Nam ngày càng tươi sáng nhờ vào các dự án đầu tư từ các Tập đoàn công nghệ thế giới, đặc biệt là các nhà cung ứng liên quan đến Apple như Foxconn, Luxshare và Goertek.

Với xuất phát điểm là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày, Việt Nam đã vươn mình trở thành công xưởng sản xuất công nghệ của thế giới, giành thêm nhiều thị phần trong mảng xuất khẩu điện thoại và bộ vi xử lý.

Điều này thể hiện rõ qua số liệu năm 2021, xuất khẩu điện tử của Việt Nam đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, vào năm 2000, chỉ số này đạt chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Không nằm ngoài ảnh hưởng chung từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI ổn định từ các Tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Đóng góp không nhỏ cho sự thành công của ngành hàng công nghệ tại Việt Nam là dòng vốn đầu tư trong nhiều năm của Samsung. Khởi đầu với tổng mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh, tổng vốn đầu tư rót vào Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại đã rơi vào khoảng 18 tỷ USD.

Mới đây nhất, trong tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD. 

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021 của Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư của Samsung, theo báo cáo mới đây của HSBC, thị phần máy tính xách tay của Việt Nam trên thế giới cũng đang dần tăng lên, vượt mặt Malaysia để trở thành nước sản xuất chính ở khu vực ASEAN.

Kết quả này được hậu thuẫn bởi khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Intel vào một cơ sở lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam từ năm 2006. Trong giai đoạn tháng 6/2009 đến tháng 12/2020, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy ở Việt Nam để tăng cường sản xuất sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi.

 Nguồn: Báo cáo Vietnam at a glance của HSBC.

Sự thành công của Samsung và Intel tại Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Đặc biệt là dòng vốn đầu tư từ các nhà cung ứng liên quan đến Apple cũng bắt đầu đặt chân vào Việt Nam như Foxconn, Luxshare và Goertek. Các tập đoàn này đã công bố kế hoạch đầu tư lớn để gia tăng công suất và tăng cường sử dụng công nhân địa phương.

Chẳng hạn như hồi đầu năm 2021, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã thông báo rót thêm 475 triệu USD đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10 tại Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) góp mặt với hai dự án đầu tư. Cụ thể, dự án thứ nhất là  dự án sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay ở Bắc Giang với dòng vốn đầu tư 270 triệu USD. Dự án thứ hai là sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng với dòng vốn đầu tư 700 triệu USD.

Bên cạnh đó, một số kế hoạch đầu tư FDI mảng công nghệ tiêu biểu ở Việt Nam trong năm 2021 còn có: Hai dự án của Risesun Investment (Singapore) gồm sản xuất sản phẩm nhựa, composite và dự án sản xuất sản phẩm trang trí bằng nhựa PVC cùng tổng vốn đầu tư lần lượt là 75 triệu USD và 6 triệu USD; Dự án công nghệ tế bào quang điện của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) có tổng vốn đầu tư đăng ký 210 triệu USD.

Công ty Hayward Quartz Technology với dự án nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn, tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Tập đoàn Pegatron đầu tư thêm 101 triệu USD để sản xuất, kinh doanh máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị truyền thông và linh kiện điện tử tại Việt Nam.

Đáng chú ý là hai dự án lớn nằm trong kế hoạch mở rộng các cơ sở sản xuất màn hình OLED tại Việt Nam của Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 2,1 tỷ USD. 

Trong khi đó, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Goertek (Trung Quốc) cũng đã thông báo tăng thêm vốn đầu tư. Cụ thể, dự án đầu tiên là dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.

Dự án thứ hai là dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, nâng tổng mức vốn từ 260 triệu USD lên 306 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỷ đồng). 

Phương Trang