Dòng tiền thông minh 28/10: Tự doanh gom 205 tỉ đồng, nhóm ngân hàng dẫn đầu thanh khoản
Thanh khoản nhóm ngân hàng hơn 2.700 tỉ đồng
VN-Index có một phiên dao động tương đối giằng co nhưng áp lực bán tiếp tục tăng vào phiên chiều đã đẩy chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ. Kết phiền, VN-Index giảm 4,33 điểm (0,46%) còn 946,47 điểm, HNX-Index giảm 1,37% còn 137,13 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27% còn 63,4 điểm.
Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy giảm khi chỉ có 1/19 nhóm ngành tăng điểm. Nhóm ghi nhận giá trị giao dịch nhiều nhất là ngân hàng với hơn 2.700 tỉ đồng, theo sau là bất động sản và kim loại (khoảng 1.000 tỉ đồng).
Thanh khoản thị trường không chênh lệch nhiều so với phiên trước, đồng thời độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy tâm lý chốt lời hiện đang dâng cao. VN-Index nhiều khả năng dao động tại khu vực 940 - 950 điểm trong những phiên tới.
Khối tự doanh rót 205 tỉ đồng phiên VN-Index mất mốc 950 điểm
Thống kê giao dịch trên thị trường phiên VN-Index lần nữa đánh mất mốc 950 điểm, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng gần 205 tỉ đồng với khối lượng 4,7 triệu đơn vị.
Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn từ khối tự doanh, mã HPG dẫn đầu với giá trị 66,15 tỉ đồng. Theo sau đó, khối này mua mạnh các mã ngân hàng trong phiên như TCB (54,4 tỉ đồng), EIB (52,43 tỉ đồng), VPB (46,4 tỉ đồng).
Cùng chiều, cổ phiếu VNM ghi nhận giá trị mua 42,5 tỉ đồng, VIC (35,3 tỉ đồng), FPT (28,9 tỉ đồng). Ngoài ra, dòng tiền tìm đến STB (26,4 tỉ đồng), CTG (26 tỉ đồng) và MWG (21,8 tỉ đồng).
Top10 cổ phiếu bị khối tự doanh rút vốn có quá nửa là cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, khối này bán ra mạnh nhất CTG (44,25 tỉ đồng), kế đến là TCB (39,9 tỉ đồng), MBB (35,9 tỉ đồng) và EIB (32 tỉ đồng). Ngoài ra, VPB và STB lần lượt ghi nhận giá trị bán nhỏ hơn là 18,2 tỉ đồng và 12,5 tỉ đồng.
Mặt khác, các mã chịu áp lự thoái vốn của khối tự doanh còn có HPG (26,1 tỉ đồng), VHM (19,91 tỉ đồng), VNM (17,1 tỉ đồng) và VIC (12,8 tỉ đồng).
Khối ngoại bán ròng 22 phiên liên tiếp, tiếp tục xả MSN
Giao dịch trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 114,6 tỉ đồng với khối lượng 4,6 triệu đơn vị, trong đó khối này tập trung xả 184,7 tỉ đồng trên thị trường cổ phiếu.
Trong đó, cổ phiếu MSN tiếp tục là cổ phiếu chịu áp lực xả lớn nhất từ khối ngoại với giá trị 233,2 tỉ đồng. Cùng chiều, khối ngoại rút ròng một số cổ phiếu như VIC (25,9 tỉ đồng), STB (17,5 tỉ đồng), HPG (16,6 tỉ đồng).
Dòng vốn ngoại trong phiên còn rút vốn khỏi một số mã như HDB (13,1 tỉ đồng), SSI (12,2 tỉ đồng), VRE (11,1 tỉ đồng) và VCB (7 tỉ đồng). Hai mã cuối cùng lọt top bán ròng là SCS và POW với cùng giá trị 4,1 tỉ đồng.
Ở chiều mua ròng, cổ phiếu CTG dẫn đầu với giá trị 64,2 tỉ đồng. Theo sau đó, khối ngoại gom các mã VNM (40,7 tỉ đồng), VPB ( 35,2 tỉ đồng) và HSG (29,9 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, các mã hút dòng vốn ngoại dưới 10 tỉ đồng trong phiên có chứng chỉ quĩ FUEVFVND (8,8 tỉ đồng), VHM (8,1 tỉ đồng) và PDR (6,4 tỉ đồng). Ngoài ra, NĐT nước ngoài còn mua ròng cổ phiếu GEX (6,4 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (6,2 tỉ đồng) và BID (3,3 tỉ đồng).
Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng hơn 1,2 tỉ đồng với khối lượng 141.487 cổ phiếu. Theo đó, khối ngoại chủ yếu rút vốn khỏi hai mã TNG (2,5 tỉ đồng) và VCG (1,6 tỉ đồng). Trong khi đó, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX là BAX (2 tỉ đồng), ngoài ra còn có IDV, NTP, PLC...
Duy nhất trên thị trường UPCoM, khối ngoại gom nhẹ 1,8 tỉ đồng nhưng NĐT nước ngoài bán ròng với khối lượng 132.848 cổ phiếu. Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VTP dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 24 tỉ đồng, theo sau là hai mã NTC (2,2 tỉ đồng) và ACV (2 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, cổ phiếu VGG ghi nhận áp lực bán ròng mạnh nhất từ NĐT ngoại với giá trị 4,8 tỉ đồng, kế đến là mã MSR (2,1 tỉ đồng).
Con trai Chủ tịch SPM muốn mua 1,8 triệu cổ phiếu
Ông Đào Hữu Hoàng Vũ, con trai ông Đào Hữu Hoàng - Chủ tịch CTCP S.P.M (Mã: SPM) vừa đăng kí mua 1,8 triệu cp SPM trong thời gian từ ngày 30/10 đến 28/11 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, ông Vũ sẽ trở thành cổ đông lớn của SPM với tỉ lệ sở hữu 12,85% vốn cổ phần. Phía ông Đào Hữu Hoàng hiện cũng đang nắm 44,3% vốn điều lệ của công ty.