Dòng tiền thông minh (20/3): Khối ngoại và tự doanh mua ròng hơn 200 tỉ đồng trong phiên giảm điểm
Cổ phiếu ngân hàng giảm điểm, thị trường lao đao, dòng tiền thông minh đổ vào nhóm bảo hiểm
Thị trường chứng khoán đóng cửa trong sắc đỏ dù giao dịch tích cực trong phiên sáng. Tác nhân chính khiến thị trường giảm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể VCB, BID, VPB và CTG kéo VN-Index mất 2,42 điểm. Bên cạnh đó, cổ phiếu VNM giao dịch kém khởi sắc cũng thúc đẩy đà giảm của chỉ số.
Kết phiên, VN-Index giảm 5,27 điểm (0,52%) xuống 1.006,59 điểm; HNX-Index giảm 0,74% xuống 110,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,56% còn 57,1 điểm. Diễn biến ngược chiều, những mã đóng cửa tăng điểm giúp kìm hãm đà giảm của thị trường như SAB, EIB, MSN, PHR...
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 321 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 7.009 tỉ đồng. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu y tế và bảo hiểm, thanh khoản thị trường kém hơn so với phiên giao dịch trước.
Khối tự doanh tiếp tục mua ròng 24,5 tỉ đồng
Thống kê kết quả giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán phiên hôm qua, giá trị mua ròng gần 24,5 tỉ đồng nhưng khối lượng bán ròng 141.281 đơn vị.
Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
HPG vẫn giữ vị trí đầu trong top cổ phiếu được mua vào với giá trị 21,67 tỉ đồng. Khối này cũng tập trung mua nhiều DHG (16,46 tỉ đồng), MBB (11,93 tỉ đồng). Ngoài ra, một số mã ghi nhận giá trị mua vào cao như VHM, VNM, NBB…
Đáng chú ý, đây là phiên thứ ba liên tiếp chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 bị khối tự doanh bán ra nhiều nhất (21,11 tỉ đồng). Tại giao dịch cổ phiếu, TCB và MWG lần lượt dẫn đầu về giá trị bán ra, đạt 9,36 tỉ đồng và 9,32 tỉ đồng. Những cổ phiếu chịu áp lực bán ra mạnh từ khối này như IMP, CTG, SSI…
Khối ngoại quay lại mua ròng trên HOSE, bán ròng trên HNX và UPCoM
Phiên giao dịch hôm qua, khối ngoại quay lại mua ròng trên HOSE trong khi sàn HNX và thị trường UPCoM vẫn bị bán ròng. Giá trị mua ròng toàn thị trường đạt 178 tỉ đồng.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại trở lại mua ròng hơn 190,2 tỉ đồng với khối lượng hơn 1,3 triệu đơn vị. Trong đó, CTG được mua ròng nhiều nhất, giá trị mua ròng 69,7 tỉ đồng. Theo sau là HPG (62,58 tỉ đồng), PLX (48 tỉ đồng), VIC (45 tỉ đồng)… Ngược lại, dòng tiền đầu tư nước ngoài rút khỏi VNM mạnh nhất (42,12 tỉ đồng). Một số mã cũng bị bán ròng nhiều như HBC (27,26 tỉ đồng), FLC (24,55 tỉ đồng)…
Diễn biến trái chiều trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 9,3 tỉ đồng với khối lượng hơn 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu SHB bị bán ròng nhiều nhất (11,8 tỉ đồng), theo sau là VGC (2,7 tỉ đồng), VMC (1 tỉ đồng). Trong khi đó, PVS được mua ròng mạnh nhất (4,7 tỉ đồng), kế đến là BCC (1,2 tỉ đồng), ART (674 triệu đồng).
Tại thị trường UPCoM ghi nhận giá trị bán ròng 2,6 tỉ đồng với khối lượng 648.000 đơn vị. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán ròng BSR (9,8 tỉ đồng) và mua ròng QNS (4,4 tỉ đồng).
Lãnh đạo và nội bộ doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu gì?
Theo thống kê đăng kí giao dịch phiên hôm qua, những lãnh đạo và người có liên quan đăng ký bán ra cổ phiếu PDR, TDH, THS, DPG trong khi DTT và DC4 được đăng ký mua vào.
Thống kê đăng kí giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Về thông báo giao dịch nổi bật, cổ đông lớn đồng thời là Thành viên HĐQT CTCP Đạt Phương (Mã: DPG), bà Lương Thị Thanh vừa công bố thông tin muốn bán 700.000 cổ phiếu DPG. Thời gian giao dịch dự kiến từ 25/3 đến 23/4 theo phương thức thoả thuận. Nếu giao dịch thành công, bà Thanh dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại Đạt Phương từ 9,088% xuống 6,755% vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP DIC số 4 (Mã: DC4) vừa đăng ký mua vào 460.000 cổ phiếu công ty trong thời gian từ 20/3 đến 16/4 theo phương thức giao dịch khớp lệnh và thoả thuận. Theo đó, ông Thắng muốn gia tăng tỉ lệ cổ phiếu DC4 sở hữu từ 20,72% lên 24,9% vốn cổ phần.