|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền ngoại có thể làm chỉ báo đầu tư sau gần hai năm dòng tiền cá nhân trong nước áp đảo?

07:39 | 14/12/2022
Chia sẻ
Với tình hình dòng tiền quỹ ngoại có rủi ro bị rút ra khi Fed vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất để chống lạm phát, nhóm phân tích của Chứng khoán An Bình cho rằng việc sử dụng dòng tiền khối ngoại làm chỉ báo đầu tư sẽ còn tiềm ẩn rủi ro.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán An Bình (ABS), tháng 11 ghi nhận lực bắt đáy của nhà đầu tư nước ngoài mạnh nhất trong ba năm trở lại khi giá trị mua ròng riêng tháng 11 lớn hơn tổng giá trị mua ròng của cả 10 tháng đầu năm. Trong giá trị mua ròng này, khoảng 98% giá trị đến từ các tổ chức nước ngoài.

Số liệu thống kê chỉ ra gần 16.000 tỷ đồng mua ròng của khối ngoại trong tháng 11 tập trung mua mạnh vào nhóm các cổ phiếu trụ như VHM, STB, KDH… với tổng giá trị mua ròng Top10 lên đến 10.000 tỷ đồng.

Dữ liệu tại ngày 9/12 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại so với thị trường liên tục tăng từ đầu tháng 11 đến nay và hiện chiếm khoảng 18% so với thị trường.

 Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại so với thị trường. (Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam).

Số liệu từ Fubon FTSE Vietnam ETF cho biết trong phiên giao dịch 29/11, quỹ đã phát hành ròng 43,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 486 triệu TWD (khoảng 15,5 triệu USD). Lượng phát hành chứng chỉ quỹ kể trên của Fubon ETF tương ứng gần 400 tỷ đồng và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Trước đó vào ngày 28/11/2022, Fubon cũng đã chính thức được Ngân hàng Trung ương Đài Loan cấp phép huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với quy mô lên đến 5 tỷ Đài tệ tương đương gần 4.000 tỷ đồng.

Tháng 11 ghi nhận sự đuối sức của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, do đó để thị trường có thể bật tăng trở lại được trong thời gian ngắn hạn tới sẽ cần đến dòng tiền mới. Theo nhận định của Chứng khoán An Bình, có thể khối ngoại sẽ quay trở lại là dòng tiền dẫn dắt thị trường trong tháng 12 sau gần hai năm dòng tiền cá nhân trong nước áp đảo. 

Tuy nhiên, với tình hình dòng tiền quỹ ngoại có rủi ro bị rút ra khi Fed vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất để chống lạm phát, nhóm phân tích cho rằng việc sử dụng dòng tiền khối ngoại làm chỉ báo đầu tư sẽ còn tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư cá nhân chỉ nên lấy dòng tiền này làm yếu tố tham khảo và vẫn cần tập trung vào sức mạnh nội tại của kinh tế Việt Nam và cổ phiếu. 

Các quỹ đầu tư đánh giá như thế nào về thị trường trong năm 2023?

Theo nhận định của các nhà quản lý quỹ ngoại như PYN Elite hay Fubon FTSE, thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn để đầu tư dài hạn với mức định giá rẻ như hiện tại. Cùng với đó, các quỹ ngoại sẽ có xu hướng tập trung đầu tư vào các cổ phiếu bluechip hoặc đầu ngành.

Trong Talkshow “Phố Tài chính”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đồng quan điểm với các quỹ nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam về mặt dài hạn vẫn sáng sủa.

Nói riêng về năm 2023, bà Nga cho rằng sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế mà chúng ta cần phải theo dõi. Thứ nhất chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ rõ ràng chưa kết thúc, một số kỳ vọng kết thúc vào quý I/2023 nhưng với mức đỉnh lãi suất phải lên tới 4,8 – 5%. Thứ hai là chính sách Zero-COVID của Trung Quốc, liệu Trung Quốc có mở cửa trong năm 2023 hay không.

Một điều nữa là chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng chưa biết kết thúc như thế nào. Đối với Việt Nam có thể kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm. Tuy nhiên nếu Trung Quốc mở cửa thì có thể nhu cầu từ họ sẽ tăng lên.

Một điều tích cực nữa là giải ngân trực tiếp nước ngoài năm 2022 vẫn rất tích cực, đạt khoảng 19,7 tỷ USD trong vòng 11 tháng. Chuyên gia hy vọng với những động thái rất quyết liệt của Chính phủ thì năm sau đầu tư công sẽ là một trong những yếu tố vừa giúp tăng trưởng kinh tế, vừa giúp cho tăng thanh khoản trên thị trường.

Thu Thảo