Đồng Nai chỉ còn khoảng 300 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê
Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, nguyên nhân là nhiều khu công nghiệp (KCN) vẫn còn có diện tích đất vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất thủ tục pháp lý triển khai hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê hiện còn khoảng 300 ha. Trong khhi đó, diện tích đất công nghiệp còn vướng bồi thường, giải tỏa và chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng là 900 ha.
Do diện tích đất công nghiệp cho thuê đã hoàn chỉnh hạ tầng không còn nhiều, đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhanh tiến độ xây dựng các KCN mới và KCN đề xuất mở rộng, đảm bảo cho việc thu hút đầu tư của tỉnh được thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để triển khai nhanh việc hoàn thiện đấu nối hạ tầng ngoài KCN, trong đó có việc chưa đấu nối thoát nước ngoài ranh hàng rào các khu công nghiệp Sông Mây, An Phước, Tam Phước và Nhơn Trạch.
Tỉnh Đồng Nai cũng cần chỉ đạo các đơn vị liên quan quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ các dự án nhà ở công nhân, dịch vụ phục vụ lao động trong các KCN.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.
Cụ thể, ba KCN gồm: Khu công nghiệp Long Đức 3 quy mô 253 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành; Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp quy mô 2.627 ha tại xã Bàu Cạn và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành; Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn quy mô 3.595 ha tại xã Xuân Quế và xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ.
Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong Quy hoạch phát triển các KCNViệt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao tại các khu công nghiệp.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát có điều hành phù hợp.
Theo báo cáo của CBRE, dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Tính đến quý III/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) đạt 13.800 ha với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuế.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.
Đối với thị trường Miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị truường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000 ha trong đó 24.000 ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
Tuy nhiên, CBRE ghi nhận nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm.