|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Động lực tăng trưởng tín dụng cao trong quý I của Vietcombank đến từ đâu?

15:08 | 11/05/2022
Chia sẻ
Trong khi trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,2% thì cho vay khách hàng tại Vietcombank lại tăng mạnh trong quý đầu năm, đạt 7,1%.

Trong quý I, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng hơn 7% so với đầu năm, đây là mức tăng trưởng tín dụng trong một quý tương đối cao của một ngân hàng quốc doanh và cao hơn 40% so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 5%.

Trong đó, tăng trưởng chủ yếu đến từ cho vay khách hàng với mức tăng 7,1% trong khi trái phiếu giảm doanh nghiệp giảm 1,2% so với đầu năm.

Các chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với khả năng tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng thì Vietcombank sẽ nhiều khả năng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với thông thường.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng phụ thuộc vào hệ số an toàn vốn (CAR) trong khi tỷ lệ này của Vietcombank chỉ vào khoảng 9,3% vào cuối năm 2021. Điều này khiến cho Vietcombank gặp trở ngại để tăng trưởng mạnh tín dụng.

Do đó theo BVSC, Vietcombank sẽ cần thực hiện các nhanh chóng các giải pháp như phát hành riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng như phát hành trái phiếu cấp 2 để gia tăng CAR.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2022 ở mức 0,81%, tăng 0,18 điểm % so với cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 424% cuối năm 2021 về mức 373%.

Cuối quý I, số dư nợ tái cơ cấu của Vietcombank giảm từ mức 10.500 tỷ đồng cuối năm 2021 về mức 7.000 tỷ đồng, ngân hàng đã trích lập 100% dự phòng cho nợ tái cơ cấu. Trong quý, Vietcombank đã hoàn nhập 3.000 tỷ chi phí dự phòng khoản cho vay liên ngân hàng cũng như hoàn nhập dự phòng từ nợ tái cơ cấu nên chi phí trích lập dự phòng ở mức thấp 2.274 tỷ đồng.

Cùng với tăng trưởng tín dụng cao, NIM của Vietcombank vẫn tiếp tục mở rộng trong quý đầu năm ở mức 3,43%, tăng 0,33 điểm % so với cuối năm 2021 và tăng 0,19 điểm% so với cng kỳ. Sự mở rộng NIM là do chi phí vốn tăng nhẹ và lợi suất tài sản sinh lợi gia tăng. 

Đáng chú ý, trong quý đầu năm, Vietcombank đã đánh mất ngôi vương về lợi nhuận các ngân hàng vào tay của ngân hàng tư nhân VPBank (lợi nhuận trước thuế vượt 11.000 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank chỉ đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. 

Huyền Phương