|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dồn lực thực hiện để sớm có mặt bằng

11:19 | 30/03/2020
Chia sẻ
Năm 2020, kế hoạch của tỉnh là sẽ thu hồi gần 18,7 ngàn ha đất cho toàn bộ các dự án thuộc 8 lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc thu hồi đất chủ yếu được giao cho các địa phương thực hiện. Mặc dù triển khai rất tích cực, nhưng với diện tích cần thu hồi, giải tỏa khá lớn, việc thu hồi đất đang là thách thức lớn với các huyện, thành phố.

Dồn lực thực hiện để sớm có mặt bằng - Ảnh 1.

Huyện Long Thành là nơi phải thu hồi nhiều đất nhất tỉnh. Riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5 ngàn ha. Ảnh: H.Giang

Các dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn để thực hiện chủ yếu là hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. 

Có 6 địa phương đang thực hiện nhiều dự án nên diện tích đất phải thu hồi lớn là các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.

Nhiều dự án cần thu hồi diện tích “khủng”

Từ nay đến cuối năm 2020, các địa phương trong tỉnh phải thu hồi đất cho 1.265 dự án của Trung ương, tỉnh và địa phương. 

Trong đó, có những dự án có diện tích đất cần thu hồi rất lớn, trở thành là áp lực không nhỏ cho các địa phương, bởi không thu hồi được đất đồng nghĩa với việc dự án không thể khởi công và tiến độ sẽ bị chậm lại.

Theo UBND tỉnh, hiện nay trong các vụ kiện, khiếu nại có hơn 80% vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Trong những vụ kiện, khiếu nại về đất đai có trên 70% liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.

Vấn đề người dân phản ảnh nhiều là giá đất bồi thường chưa thỏa đáng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục dự án diện tích đất phải thu hồi lên đến hàng trăm, hàng ngàn ha. 

Đơn cử, H.Long Thành có các dự án: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành có diện tích cần thu hồi là hơn 5 ngàn ha; Khu dân cư đô thị mới Bình Sơn 555ha; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành 410ha; Khu tái định cư Bình Sơn 284ha; Khu dân cư tái định cư Lộc An - Bình Sơn 282ha...

Chủ tịch UBND H.Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Năm nay, H.Long Thành triển khai nhiều dự án của Trung ương, tỉnh, huyện, trong đó có những dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua, tổng diện tích đất phải thu hồi rất lớn. 

Huyện đang dồn lực cho việc thu hồi đất để sớm có mặt bằng giao cho chủ đầu tư thực hiện. Đặc biệt là với những dự án cấp bách như: sân bay và các đường cao tốc, đường giao thông, công trình công cộng”. 

Năm nay, H.Long Thành là địa phương phải thu hồi đất nhiều nhất tỉnh với tổng cộng 8.758ha cho 117 dự án.

Địa phương xếp thứ hai là H.Nhơn Trạch có 170 dự án cần giải phóng mặt bằng trong năm nay với tổng diện tích 4.031ha. 

Trong đó, các dự án có diện tích đất “khủng” là: Khu dân cư theo quy hoạch Phú Thạnh - Long Tân - Vĩnh Thanh rộng 753ha; Khu dịch vụ cảng Phước An 550ha; Khu đô thị du lịch sinh thái Long Tân - Phú Thạnh 331ha; dự án Đường liên cảng gần 150ha...

Dồn lực thực hiện để sớm có mặt bằng - Ảnh 3.

TP.Biên Hòa hơn 215 dự án phải thu hồi đất trong năm 2020. Ảnh: H.Giang

Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho hay: “Các dự án cần phải thu hồi đất của huyện đa phần là từ những năm trước chuyển tiếp qua. 

Hầu hết các dự án trên đều phải thu hồi đất của người dân đang sinh sống và canh tác nên trước tiên phải làm khu tái định cư, sau đó mới tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất”.

Đứng thứ ba là H.Trảng Bom, trong năm 2020, huyện cũng phải thu hồi gần 1,3 ngàn ha đất cho 99 dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư. 

Cụ thể, dự án Tổng kho trung chuyển Miền Đông hơn 300ha, dự án Khu công nghiệp Hố Nai gần 270ha; dự án khu dân cư Sông Trầu gần 100ha...

Thách thức trong giải phóng mặt bằng

Theo các chủ đầu tư, các dự án thường bị kéo dài ở khâu giải phóng mặt bằng, có những dự án vì “vướng” khâu mặt bằng mà không thể khởi công hoặc đang thi công phải dừng lại, đợi có “đất sạch”.

Năm 2020, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn vì giá đất ở các khu vực đông dân cư bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, dẫn đến nhiều người dân bị thu hồi đất sẽ có sự so sánh hoặc yêu cầu được chi trả theo giá thị trường. 

Qua tìm hiểu, giá đất tại nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu trong năm 2019 đã bị các “cò đất” đẩy lên khá cao, có thể sẽ gây nhiều khó khăn trong việc tính toán bồi thường cho phù hợp.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho rằng, ở những khu vực đất đai có giá, dân cư đang sinh sống đông đúc thì việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. 

Nếu nơi tái định cư không bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và giá bồi thường chưa thỏa đáng, người dân rất khó đồng thuận và giao đất.

Dồn lực thực hiện để sớm có mặt bằng - Ảnh 4.

Đồ họa thể hiện số lượng dự án và diện tích đất dự án dự kiến thu hồi tại một số địa phương của tỉnh trong năm 2020 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Bên cạnh đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng được giao cho các địa phương nên với những huyện, thành phố có nhiều dự án cùng triển khai, diện tích đất thu hồi lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Do đó, các địa phương thường ưu tiên cho những dự án trọng điểm, cấp bách trước.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận xét: “Các dự án có mặt bằng thi công lớn hầu hết là chậm tiến độ do công tác bồi thường rất khó thực hiện nhanh theo như dự kiến. 

Bởi khi áp giá bồi thường, người dân không thống nhất hoặc có khiếu nại thì phải mất thêm thời gian dài để giải quyết. Có những dự án vì chưa có “đất sạch” nên đơn vị thi công phải chờ đợi đến 2-3 năm”.

Thực tế, cũng do gặp khó khăn ở khâu này nên trên địa bàn tỉnh có một số dự án trọng điểm được ưu tiên thực hiện nhưng hiện vẫn chưa xong như: Bờ kè sông Đồng Nai, Đường liên cảng, Hương lộ 2...

Rút ngắn tiến độ các dự án quan trọng

Với những dự án quan trọng, UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh tổ chức họp định kỳ hằng tuần, hằng tháng để nắm bắt tiến độ và kịp thời gỡ khó để các địa phương và chủ đầu tư có thể triển khai. 

Tuy nhiên, Đồng Nai có số lượng dự án, diện tích thu hồi khá đồ sộ, do đó ở góc độ các địa phương, nếu không có giải pháp thực hiện nhanh gọn, dứt điểm thì rất khó hoàn thành kế hoạch tỉnh đã giao.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, năm 2020, Đồng Nai dồn lực thực hiện nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành để giao “đất sạch” đúng tiến độ cho nhà đầu tư khởi công xây dựng. 

Đây là dự án trọng điểm của quốc gia nên Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương rút ngắn tiến độ bồi thường, thu hồi đất cho các dự án đường giao thông quan trọng khác ở trên địa bàn tỉnh như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết; Đường ven sông Cái, Hương lộ 2, Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa... 

“Các dự án hạ tầng giao thông sớm được hoàn thành đưa vào khai thác, kết nối với giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhận định.

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 2016-2020, do đó các địa phương đang phải “chạy nước rút” trong việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. 

Trong đó, một trong những lĩnh vực được các địa phương quan tâm và đang cố gắng hoàn thành là bồi thường giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư thi công các dự án theo đúng lộ trình làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của giai đoạn tới.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “TP.Biên Hòa có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và của thành phố, hiện đang gấp rút triển khai. 

Vì thế, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhanh các khu tái định cư để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì số hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án khá đông, “đất sạch” làm tái định cư chưa có sẵn dẫn đến công tác bồi thường hay bị kéo dài”.

Năm 2020, TP.Biên Hòa có 215 dự án cần thu hồi đất (gần 200 dự án từ những năm trước chuyển qua) và diện tích cần thu hồi khoảng 677ha. 

Mỗi dự án khi thực hiện đều phải thu hồi đất của 60-500 hộ dân, vì thế tìm nơi bố trí tái định cư cho người dân cũng là gánh nặng cho Biên Hòa.

Qua tìm hiểu ở nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, phần lớn các hộ đồng thuận với chủ trương di dời giao đất để thực hiện công trình, song trong mỗi dự án đều còn lại một số hộ chưa đồng tình và thường có đơn khiếu nại khiến việc giải phóng mặt bằng kéo dài thêm một vài năm.

Hương Giang