|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đòn bẩy đưa ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 2: Thúc bách hạ tầng

07:00 | 19/07/2019
Chia sẻ
Để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển của cả nước cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bền vững theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
dbscl_xpty

Sau khi hoàn thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết nối tuyến phía Đông của ĐBSCL với TPHCM. Ảnh: HÀM LUÔNG

Giao thông vẫn là điểm nghẽn

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26%; giai đoạn 2016 - 2020, là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: TPHCM là trung tâm, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với gắn kết vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư mới, cũng như nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu để đảm bảo giao thông thông suốt giữa các tỉnh ĐBSCL và TPHCM cũng như các tỉnh trọng điểm phía Nam là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.

Theo Quyết định 1012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30ha đến năm 2020 và trên 70ha đến năm 2030. Phạm vi hoạt động chủ yếu gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; từ đó kết nối các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).

Thực tế đến nay, tất cả vẫn còn trên giấy tờ, trong khi quy mô của các trung tâm logistics hiện có ở khu vực này còn khá nhỏ (dưới 10ha) và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, đường sắt, luồng thủy kết nối phải được đầu tư và hoàn thành giai đoạn đến năm 2020. 

Tuy nhiên, hiện nay một số trục kết nối mới đầu tư giai đoạn 1, hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư nên cơ sở hạ tầng kết nối mặc dù được cải thiện nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông vẫn chưa được sự hỗ trợ và đồng thuận cao; vận tải đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng thời, luồng tuyến giao thông đường thủy dày đặc nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến đường giao thông huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. 

Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu hết chưa hình thành. Do kết nối vùng về giao thông còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết; chi phí vận tải tăng cao, làm ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL và TPHCM.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cần quan tâm, khai thác hệ thống đường thủy kết nối giao thông giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Bởi đây là loại hình vận tải có lợi thế của các địa phương vùng ĐBSCL do chi phí vận tải thấp, vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, là giải pháp quan trọng để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.

Cà Mau cũng kiến nghị sớm đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai thành cảng biển trung chuyển quốc tế, đây là cửa ngõ cực Nam của Tổ quốc kết nối giao thương với quốc tế rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu

Trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều điểm nghẽn phải tháo gỡ thì hạ tầng kỹ thuật ở ĐBSCL cũng chung tình cảnh. Đến nay, hầu hết các công trình thủy lợi đầu tư cho vùng đất này đã cũ kỹ và ít phát huy tác dụng. 

Cụ thể, ngành thủy lợi tồn tại yếu kém trong việc quản lý khai thác, dẫn đến các hệ thống công trình thủy lợi mau xuống cấp và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, là việc thiếu đầu tư cho thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế, tỷ trọng trong xuất khẩu rất cao nhưng chưa được quan tâm.

Hệ thống thoát lũ ra biển Tây gần như tê liệt vì mấy năm nay ĐBSCL không có lũ lớn; các công trình như ngọt hóa bán đảo Cà Mau đã bị vô hiệu hóa từ phong trào chuyển dịch lúa - tôm; dự án Ô Môn - Xà No và ngọt hóa Bắc Bến Tre không phát huy được tác dụng vì đầu tư thiếu đồng bộ; một số công trình, dự án khác đầu tư nửa chừng rồi ngưng do thiếu vốn nên việc ngăn mặn, giữ ngọt đến thời điểm này chỉ còn dự án Nam Măng Thít và ngọt hóa Gò Công là phát huy hiệu quả. 

GS-TS Võ Tòng Xuân nhìn nhận, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã ra đời gần 2 năm, nhưng các địa phương vẫn rất lúng túng, chưa biết phải đầu tư ra sao và làm gì cho bớt diện tích lúa, nguyên liệu thô.

Khuynh hướng của phần lớn các bộ, ngành trung ương và các địa phương ĐBSCL hiện nay vẫn tiếp tục xin Thủ tướng Chính phủ duyệt kinh phí khổng lồ đem nguồn nước ngọt rất giới hạn về ngọt hóa các vùng mặn để trồng lúa. 

Nói cách khác, chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng, thông minh hơn, chứ không chỉ trồng lúa. Đồng thời, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn. Từ đó, Nhà nước, địa phương cùng doanh nghiệp đó mới cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó.

Để phục vụ xuất khẩu nông sản, hệ thống kho lạnh, nhà máy chế biến, logistics rất quan trọng. Nhưng hiện tại, khu vực ĐBSCL chỉ có 6 kho lạnh (4 kho ở Long An, 2 kho ở Cần Thơ và Hậu Giang), trong khi đó khu vực này có hàng trăm nhà máy sản xuất nông thủy sản. Kho của doanh nghiệp thiếu hạ tầng lạnh, dẫn đến hao hụt sau thu hoạch lên đến 20%-40%.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp, một trong những cản trở của xuất khẩu nông sản của Việt Nam là hạ tầng logistics rất yếu kém, nhất là các thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp. Ở ĐBSCL, hệ thống kho bãi chưa nhiều, nhất là các kho tốt cho lúa gạo, kho lạnh cho trái cây, cho thủy sản…

Hệ thống đường giao thông ở ĐBSCL chưa tốt, hầu như chưa có đường sắt, còn đường cao tốc thì hạn chế. So với các vùng khác, ĐBSCL rất thiệt thòi về hệ thống đường cao tốc. Đường thủy là lợi thế của ĐBSCL, nhưng do thiếu cảng biển để có thể chở trực tiếp bằng container, nên hàng hóa phải chở về TPHCM, hay cảng Cái Mép, Thị Vải. 

Vì vậy, thời gian vận chuyển dài hơn, hao hụt nông sản nhiều hơn, giá thành vận chuyển cao hơn, làm cho hàng nông sản Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng ta cần tiếp tục triển khai một số giải pháp hữu hiệu, như: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết với quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp, dịch vụ, giao thông, điện, nước, đô thị, dân cư; nâng cao khả năng liên kết vùng; huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị; xây dựng các chương trình: thúc đẩy tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư phát triển chuỗi; các đề án ứng phó với lũ cực đoan, hấp thu lũ, thoát lũ; xử lý ô nhiễm nước mặt, tái tạo nguồn nước ngầm, cấp nước ngọt; bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường; thí điểm và nhân rộng các mô hình thích ứng thông minh với khí hậu.

Ưu tiên đầu tư cho giao thông ĐBSCL

Dân số ĐBSCL là 20 triệu người, tức là chiếm 20% dân số của cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm 12,5% và giai đoạn 2015-2020 chiếm 15,15%; thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn vốn để ưu tiên thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch, cấp bách. Trong đó, có 3 trục dọc lớn, gồm: cao tốc TPHCM - Cần Thơ; quốc lộ 60 với điểm nhấn là cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi; trục Đồng Tháp Mười với các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, sẽ ưu tiên phát triển đường Vành đai 3, 4 của TPHCM kết nối ĐBSCL với hệ thống cảng tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ nhằm tránh nội đô TPHCM. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên để đầu tư 3 trục giao thông ngang; nâng cấp tuyến quốc lộ 1 từ TPHCM - Cần Thơ xuống Cà Mau.

Về giao thông đường thủy, Bộ GTVT sẽ tập trung các dự án khai thông các tuyến kênh; nâng cấp một số cây cầu để nâng tĩnh không thông thuyền cho tàu thuyền dễ dàng đi lại; nghiên cứu một cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL; ưu tiên vận tải ven biển, góp phần giảm tải đường bộ và hạ giá thành. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn hạ tầng ở ĐBSCL, mang tính định hình và đi trước. Trong đó, trung ương và các địa phương cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đột phá để đầu tư về cảng biển, cảng hàng không và đường cao tốc. Cùng với đó là phát triển đường quốc lộ, đường thủy nội địa để kết nối với TPHCM, vì sự phát triển của vùng ĐBSCL có sự hỗ trợ rất lớn từ TPHCM.


Hàm Luông - Đăng Nguyên

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.