Đối thoại thuế năm 2024: Vẫn 'nóng' chuyện hoàn thuế VAT
Vấn đề chậm hoàn thuế giá tăng (VAT), nhiều vướng mắc trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân, quản lý nợ, hoàn nộp thừa, thuế đất; đồng thời một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính, xử phạt vi phạm hành chính thuế… đã được lãnh đạo Tổng cục Thuế thẳng thắn trao đổi với đại diện các doanh nghiệp và người nộp thuế tại Hội nghị đối thoại với người nộp thuế của 5 tỉnh, thành phố phía Nam, tổ chức ở TP HCM ngày 27/9.
6 năm vẫn chưa được hoàn thuế
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (TP HCM), kể từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này không được hoàn thuế VAT với số tiền tổng cộng lên đến 529 tỷ đồng, dù công ty đã cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn thuế, thậm chí được cơ quan công an trả lời chưa tìm ra dấu hiệu hoàn thuế khống.
Cụ thể, công ty bị truy thu tiền thuế VAT đã hoàn và tiền chậm nộp từ kỳ hoàn thuế tháng 1/2017 đến tháng 10/2018 và tháng 5/2020, truy thu tiền đã hoàn thuế VAT là 36,7 tỷ đồng. Từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2020, Cục Thuế TP HCM thông báo không được hoàn và không được khấu trừ là 127 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2020 đến nay, số tiền thuế VAT mà công ty hiện không giải quyết các hồ sơ hoàn thuế lên tới khoảng 366 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đã kiện Cục Thuế TP HCM ra Toà án Nhân dân thành phố liên quan đến việc truy thu tiền hoàn thuế giai đoạn 2017-2020. Tòa án Nhân dân TP HCM đã xử tuyên huỷ các quyết định thu hồi hoàn thuế, buộc Cục Thuế thành phố hoàn trả lại tiền thuế VAT đã thu hồi và giải quyết hoàn thuế cho công ty. Tổng cục Thuế cũng đã có công điện về vấn đề này, tuy nhiên quá trình hoàn thuế vẫn bị kéo dài.
“Vốn doanh nghiệp chỉ hơn 100 tỷ đồng nhưng tiền hoàn thuế VAT chưa hoàn lên đến vài trăm tỷ đồng. Cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải xác minh từ họ tên tài xế, số Căn cước công dân, số hiệu xe, trọng tải… thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng. Rất mong cơ quan thuế xem xét, hoàn thuế sớm cho doanh nghiệp. Nếu kê khai sai, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm", ông Phương nói.
Liên quan đến ý kiến của Fococev Việt Nam, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai - kế toán thuế, Tổng cục Thuế cho biết, Fococev là một trong những công ty xuất khẩu bột sắn và có mua bán với doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, qua làm việc giữa cơ quan thuế của Trung Quốc với cơ quan thuế của Việt Nam, xác định trong hợp đồng của Fococev với doanh nghiệp Trung Quốc, có một số doanh nghiệp không được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Hoặc tại thời điểm giao dịch với Fococev, những doanh nghiệp này không tồn tại hoặc ngừng hoạt động tại địa chỉ đăng ký… Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Cục ThuếTP HCM rất băn khoăn khi áp dụng thuế VAT.
Theo bà Hải, vấn đề của Fococev Việt Nam đã được tòa án TP HCM giải quyết, Cục Thuế thành phố đã hoàn trả 36 tỷ đồng cho công ty, chỉ còn 700 triệu đồng và sẽ hoàn trả. Còn đối với số tiền 127 tỷ đồng, Tòa án nhân dân thành phố đã tuyên hủy thông báo hoàn thuế của Cục Thuế vào ngày 6/9. Tuy nhiên, hiện Cục Thuế TP HCM chưa nhận được bản án chính thức của tòa án.
Riêng với 29 hồ sơ có số tiền thuế VAT từ tháng 6/2020 đến nay lên tới khoảng 366 tỷ đồng của Fococev Việt Nam, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TP HCM hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ chứng từ liên quan để đáp ứng điều kiện hoàn thuế VAT. Hiện vụ việc này đang chờ Toà án xử, sau khi có bản án, cơ quan thuế cũng sẽ có kháng cáo. Cơ quan thuế phải dựa trên quy định pháp luật đủ điều kiện hồ sơ hoàn thuế VAT.
Không riêng doanh nghiệp trong nước, đại diện Công ty TNHH MTV Sigma (Long An) cũng nêu lên một số bất cập liên quan đến việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo vị này, việc hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp nước ngoài những năm gần đây rất chậm.
Thậm chí, chậm hơn so với cách làm bằng giấy, trong khi đó Tổng cục thuế nói đã chuyển đổi số, có dữ liệu trên hệ thống, giúp doanh nghiệp làm thủ tục dễ dàng hơn. Điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Đại diện Sigma kiến nghị Tổng cục thuế cần phân loại hồ sơ hoàn thuế luồng xanh, vàng, đỏ như ngành hải quan. Công tác hậu kiểm cũng rất lâu, nên hoàn thuế trước và hậu kiểm sớm. Nếu khi hậu kiểm phát hiện sai sót thì có thể truy thu hoàn ngay, vì doanh nghiệp rất cần tài chính quay vòng để sản xuất kinh doanh.
Về ý kiến này, ông Mai Sơn cho biết, có khoảng 80% doanh nghiệp đang đề nghị hoàn trước. Từ tháng 10/2023, Tổng cục Thuế đã triển khai toàn bộ tiêu chí và hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, theo đó phân loại ngưỡng rủi ro để xác định người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước (6 ngày làm việc), kiểm tra trước (40 ngày).
Qua rà soát thực tế phát sinh nhiều trường hợp người nộp thuế chuẩn bị chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, kê khai chưa chính xác thông tin trên hồ sơ. Hiện cơ quan thuế đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Người nộp thuế cần kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, kiểm soát đầu vào, chủ động phát hiện hóa đơn đầu vào không đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế trước khi gửi hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan thuế, giảm thời gian cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ và người nộp thuế phải giải trình bổ sung thông tin.
Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến 16h chiều 27/6, cơ quan này đã nhận được 401 nội dung của 233 người nộp thuế. Số các nội dung được giải đáp trực tiếp tại hội nghị lên đến gần 300 nội dung.
Tuy nhiên, do thời gian có hạn, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ nội dung và phân công các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Thuế tiếp tục trả lời, đăng tải công khai trên Website của Tổng cục Thuế.
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, với số lượng lớn nội dung vướng mắc của các doanh nghiệp và người nộp thuế cho thấy vấn đề chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế vẫn đang là vấn đề “nóng” đối với cơ quan thuế.
Ông chỉ đạo các đơn vị thuế phải nhìn rõ, nhìn thẳng thắn vào những hạn chế trong công tác chuyển tải đến doanh nghiệp và người nộp thuế về các quy định pháp luật và thủ tục hành chính về lĩnh vực thuế.
Từ đó đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp, những cải cách phù hợp với thực tiễn để mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” không phải chỉ tồn tại trên các ấn phẩm tuyên truyền, mà phải len lỏi vào cuộc sống và đến được với người nộp thuế một cách thực chất, hiệu quả nhất.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe một cách cầu thị nhất những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp và người nộp thuế.
Qua đó tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý thuế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, không ngừng cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số một cách toàn diện, xây dựng môi trường quản lý thuế công khai, minh bạch, công bằng với mục tiêu tạo sự thuận lợi cao nhất cho người nộp thuế và sự phối hợp, đồng hành, đồng thuận cao nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành thuế cũng mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế đối với những thách thức cơ quan thuế đang phải đối mặt trước thực trạng gian lận về hóa đơn, về hoàn thuế; thủ đoạn trốn, tránh thuế ngày càng tinh vi đã phần nào ảnh hưởng cả tới những người nộp thuế tuân thủ tốt, chấp hành pháp luật thuế.
Hiện cơ quan thuế đang khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phát hiện sớm những hành vi gian lận, trốn, tránh thuế, từ đó hướng tới môi trường hóa đơn sạch; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc trả lời vướng mắc tự động; và chấm điểm sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế.
Từ đó đem lại sự công bằng cho những người nộp thuế có ý thức tuân thủ cao, chấp hành tốt pháp luật thuế, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch.