Dời ga Nha Trang để phục vụ dự án thương mại là sai lầm
Trong 2 phương án mà doanh nghiệp đưa ra đều lấy đất ga Nha Trang để xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại.
Sau khi doanh nghiệp báo cáo các phương án di dời, cải tạo ga Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo khi lập quy hoạch chi tiết dự án phải lấy ý kiến và được sự đồng thuận của cộng đồng.
Di dời hay cải tạo?
Như Zing.vn đã phản ánh, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (Công ty Tuấn Dung, có trụ sở Hà Nội) là doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang.
Đổi lại, doanh nghiệp này sẽ được đối ứng bằng quỹ đất của ga Nha Trang hiện này.
Theo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, Công ty Tuấn Dung đề xuất hai phương án liên quan ga Nha Trang. Theo đó, phương án 1 chỉ giữ lại ga hành khách, dời hoạt động vận chuyển hàng hóa ra ngoại thành. Còn phương án 2, dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang.
Công ty Tuấn Dung cũng vừa chính thức báo cáo 2 phương án này lên UBND tỉnh Khánh Hòa và cơ quan này giao cho Sở GTVT chủ trì xem xét, tham mưu trước khi có quyết định.
Lãnh đạo Sở GTVT Khánh Hòa cho biết ở phương án thứ nhất, quỹ đất sau khi di dời ga hàng hóa khoảng hơn 3,6 ha sẽ trở thành chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, công viên, đường giao thông nội bộ.
Nếu chọn phương án hai, ngoài công trình nhà ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch, quỹ đất còn lại của ga Nha Trang vẫn sẽ dùng xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hai phương án đều có hạng mục xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại.
“Sau khi Công ty Tuấn Dung báo cáo hai phương án, hiện tỉnh đã giao cho sở nghiên cứu, xem xét”, lãnh đạo Sở GTVT nói và cho biết đây mới chỉ ở giai đoạn góp ý và cần rất nhiều thời gian để thực hiện.
Phải đồng thuận
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định việc di dời hay cải tạo ga Nha Trang tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành phải làm kỹ, trước khi có quyết định cuối cùng.
“Sở GTVT có báo cáo khu vực này thường xuyên ùn tắc giao thông và cần phải tháo gỡ, nhưng quan điểm của tỉnh, ga Nha Trang là công trình di tích lịch nên phải giữ gìn.
Ngoài ra, việc phường Phước Tân có đến cả nghìn hộ dân sống ở khu vực ga cũng phải tính toán. Nếu dự án làm ảnh hưởng đến người dân thì trước hết họ phải đồng thuận rồi mới triển khai làm”, vị lãnh đạo này nói.
Theo Sở GTVT Khánh Hoà, phương án thứ nhất phù hợp với với quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025, được Thủ tướng phê duyệt năm 2012. Theo đó, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, di dời ga hàng hóa ra ngoại thành.
Còn phương án thứ hai chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt di dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Ngoài ra, cả 2 phương án được Công ty Tuấn Dung đề xuất không phù hợp với quy hoạch chung TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt năm 2012.
Cụ thể, trong quy hoạch chung TP Nha Trang không đề cập đến việc sử dụng quỹ đất ga Nha Trang để xây dựng cao ốc, chung cư hoặc trung tâm thương mại.
Chỉ làm lợi cho nhà đầu tư
Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đứng từ góc độ khoa học quản lý đô thị, chúng ta hoàn toàn không nên cổ xúy cho việc đô thị hóa đến đâu, dời ga đến đó. Đây là xu hướng rất có hại cho đô thị, trong khi bỏ qua tiềm năng phát triển giao thông công cộng.
Đặc biệt với ga Nha Trang, ông Sơn cho rằng nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy đất vàng phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm chiến lược.
Ông Sơn dẫn chứng trong quá trình phát triển ở các đô thị lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Montreal (Canada), ga xe lửa đều được giữ lại trong khu trung tâm, và được chỉnh trang để kết nối tốt với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố.
Nhờ đó, người dân có thể đi mọi nơi trong thành phố, và đi đến các thành phố khác một cách tiện lợi mà không cần phương tiện giao thông cá nhân. Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ra 2 giải pháp: Thứ nhất, giữ lại ga đường sắt như một ga hành khách nhỏ ở khu trung tâm, dời ga chính (hành khách và hàng hóa) của thành phố ra ngoài, và chỉnh trang mạng lưới giao thông, đặc biệt là những chỗ giao cắt khác cốt giữa đường sắt với tuyến đường nội thành.
Như vậy, từ ga chính chỉ có một số toa hành khách tách ra để chạy vào khu trung tâm.
Thứ hai, nếu muốn dời toàn bộ ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, nhà ga và hệ thống đường ray hiện tại vẫn nên được giữ lại để chuyển đổi sang loại hình giao thông công cộng khác, như tuyến metro hoặc đường sắt nhẹ.
Các chuyến tàu chạy trên đường sắt nhẹ có thể chạy nối đuôi nhau với tần suất 5 phút/chuyến, và cũng có thể xen kẽ với xe buýt để tăng hiệu suất sử dụng.
Khi nhà ga xe lửa chính ở ngoài nội đô, tuyến nhánh đường sắt nhẹ đi vào trung tâm sẽ thành tuyến giao thông công cộng, không những nối nội thành với ga đường sắt, mà còn phục vụ cho giao thông công cộng nội thành, tích hợp các tuyến xe buýt khu vực.
Người dân sẽ có một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và kinh tế.