Đòi bảo hiểm, sao cứ khó như lên trời?
Đòi bảo hiểm khó khăn, nhiều người mua bảo hiểm xe máy, ôtô giá siêu rẻ trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM để đối phó - Ảnh: Ngọc Phượng
Nên quy định các công ty bán bảo hiểm phải có trách nhiệm liên hệ, thu thập hồ sơ, biên bản từ cảnh sát giao thông và tiến hành bồi thường cho người dân.
Luật gia Phạm Đức Toàn
Có người năm lần bảy lượt đến trụ sở doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đòi nhưng vẫn về tay trắng. Nhiều kiến nghị được đưa ra để bảo hiểm thực sự gần gũi với nhiều người.
"Tự bồi thường" vì quá mệt mỏi
Anh Nguyễn Vinh Quang (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết vẫn ngán ngẩm khi nhớ lại việc đòi bồi thường bảo hiểm. Năm 2016, anh có tham gia đầy đủ bảo hiểm xe máy và bảo hiểm cho người ngồi trên xe máy.
Khi bị tai nạn giao thông trên đường 3 Tháng 2 (quận 10), anh liên hệ đại lý bảo hiểm nhưng họ không phản hồi.
Anh Quang tiếp tục liên hệ công ty bảo hiểm, sau nhiều lần hẹn không thành, khoảng một năm sau nhân viên công ty này mới yêu cầu anh cung cấp thông tin vụ tai nạn, hồ sơ từ cảnh sát giao thông và nhiều giấy tờ khác.
Do thủ tục quá rườm rà, anh Quang quyết định "tự bồi thường" cho chính mình để tránh phiền phức, mất thời gian.
Nhưng từ đó, dù biết phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nếu không có thể bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng/trường hợp nhưng anh Quang cho hay anh chỉ mua loại bảo hiểm giá rẻ bán đầy đường, dù biết chỉ là đối phó.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy (quận Bình Thạnh) mất 4-5 lần đến làm việc với công ty bảo hiểm, rồi liên hệ với cảnh sát giao thông để xin các loại giấy chứng nhận.
Cuối cùng, hồ sơ bồi thường của chị vẫn không được giải quyết vì lý do... không đủ. Quá nản, chị Thủy bỏ cuộc.
"Sau khi xảy ra tai nạn, cả hai bên đều bị thương nặng. Tôi chạy chiếc Yamaha Sirius bị nứt xương chân, còn người kia thì gãy tay.
Theo quy định, để được bồi thường phải có biên bản hiện trường (có xác nhận của công an), giấy giám định thương tật, tình trạng hư hỏng xe, xác nhận người điều khiển xe không uống rượu bia... Thủ tục quá nhiều, tôi không đủ sức thu thập hết nên đành bó tay" - chị Thủy kể.
Quá khó cho người gặp tai nạn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết theo nghị định 130/2006 và thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính, chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Trong đó, thông tư 22 hướng dẫn: khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho DN bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của DN bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn...
Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới DN bảo hiểm với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, gồm: giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà DN bảo hiểm chỉ định..., và phải gửi tới DN bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng).
Còn trách nhiệm của DN bảo hiểm là phải "phối hợp" với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an... để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường.
Nên thay đổi quy định
Theo nhiều người dân và chuyên gia, trách nhiệm đang dồn cho người dân quá nhiều, DN quá ít, trong khi số giấy tờ phải thu thập là rất nhiều, nhất là không phải người nào sau tai nạn cũng khỏe mạnh.
Cần tính toán sửa lại quy định theo hướng DN phải thu thập tài liệu bồi thường, bởi họ chuyên nghiệp. Người dân được tạo thuận lợi sẽ tham gia bảo hiểm nhiều hơn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển.
Theo luật gia Phạm Đức Toàn, khi xảy ra tai nạn giao thông, người dân đã mua bảo hiểm xe máy chỉ nên yêu cầu họ làm đơn trình bày, yêu cầu bồi thường.
Nên quy định các công ty bán bảo hiểm phải có trách nhiệm liên hệ, thu thập hồ sơ, biên bản từ cảnh sát giao thông và tiến hành bồi thường cho người dân.
Một chuyên gia bảo hiểm đề nghị trước tình trạng tràn lan hợp đồng chưa minh bạch, điều khoản mập mờ đánh đố khách hàng của nhiều DN bảo hiểm hiện nay, các cơ quan quản lý cần rà soát lại, "bắt thóp" ngôn từ, câu cú mơ hồ dễ khiến người tiêu dùng ngộ nhận.
Cũng theo luật gia Phạm Đức Toàn, người dân cần tự tìm hiểu kỹ các chính sách, quy định liên quan đến mua bảo hiểm, chính sách bồi thường bảo hiểm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần công bố chính xác và cập nhật thường xuyên danh sách các DN bảo hiểm uy tín.
Bảo hiểm tự nguyện dễ thở hơn
Ngoài bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các quy định khá khó với người dân kể trên, thị trường còn có bảo hiểm tự nguyện, tức là không bắt buộc chủ xe cơ giới phải tham gia.
Với loại này, các DN bảo hiểm thường căn cứ vào nhu cầu của khách hàng để xây dựng sản phẩm. DN và chủ phương tiện tự giao kết với nhau theo hợp đồng dân sự.
Nhiều giấy tờ phải thu thập
Về việc thông báo cho DN bảo hiểm, thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính quy định: người tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phải có văn bản thông báo ngày giờ xảy ra tai nạn, biển số xe gây tai nạn, giấy chứng nhận bảo hiểm, cơ quan công an giải quyết tai nạn, diễn biến và nguyên nhân tai nạn; tình hình thiệt hại, người làm chứng, yêu cầu bồi thường và đề xuất khác của chủ xe. Người kê khai phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ và trung thực các thông tin.
Trong khi đó, về mức thanh toán phí bảo hiểm, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết có tăng lên với số tiền tối đa phải chi trả đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn so với trước đây là 70 triệu đồng.
Số tiền tối đa chi trả với thiệt hại về tài sản do xe máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh (và các loại xe cơ giới tương tự) gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn (nâng lên 10 triệu đồng/vụ).
Thời hạn bồi thường của DN bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ và không quá 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ.