Doanh thu xuất khẩu tháng 11 của Vĩnh Hoàn lao dốc ở Trung Quốc
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã công bố tình hình kinh doanh 11 tháng đầu năm.
Doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn đạt 660 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do các dòng sản phẩm cá tra, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm giá trị gia tăng và khác giảm.
Công ty cho biết sự tăng trưởng ở châu Âu bù đắp một phần giảm ở Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Diễn biến dịch bệnh càng khó lường khiến tình trạng thương mại càng trở nên khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 11 tháng, doanh thu xuất khẩu Vĩnh Hoàn đạt 6.315 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
So với con số của tháng 10 thì doanh thu của Vĩnh Hoàn đã giảm 10% chủ yếu do giảm nguồn thu từ các dòng sản phẩm ngoại trừ sản phẩm phụ.
Vĩnh Hoàn cho biết vấn đề thực phẩm đông lạnh có nguy cơ nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn quá trình vận chuyển, ảnh hưởng tới nguồn cung.
Doanh thu ở thị trường Trung Quốc tháng 11 đã giảm 28% so với tháng trước bên cạnh các thị trường khác giảm 20%. Trái lại, thị trường châu Âu và Mỹ tăng trưởng lần lượt 27% và 3% so với tháng trước.
Thông tin thêm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hàng năm từ cuối tháng 11 tới tháng 1 là thời điểm doanh nghiệp Trung Quốc tăng nhập khẩu thuỷ sản để chuẩn bị cho Tết âm lịch nhưng năm nay số lượng đơn hàng sang Trung Quốc giảm đáng kể.
Cụ thể, hiện Trung Quốc đang siết chặt hoạt động kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại những thành phố đầu mối thương mại với lý do ngăn ngừa COVID-19. Điều này gây nên tình trạng hàng quá tải, ùn tắc.
Tất cả sản phẩm thực phẩm đông lạnh khi vào Trung Quốc phải đầy đủ 4 loại giấy chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ, bao gồm: Tờ khai báo hải quan, chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch xuất khẩu, chứng nhận cách ly và sát trùng và báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm Nucleic Acid Coronavirus.
VESEP cho biết do các thủ tục phức tạp và chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 nên thời gian từ khi hàng thông quan cho tới lúc ra khỏi kho mất từ 20 - 30 ngày hoặc lâu hơn tùy vào lượng hàng nhập khẩu của từng thành phố. Bên cạnh đó, chi phí lưu công, phí kiểm hàng lên đến 2.000 - 3.000 USD/container đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu.
Nếu tình hình này không sớm được tháo gỡ, VASEP dự báo giá cá tra sang thị trường Trung Quốc sẽ gián đoạn đến hết quý I/2021.
VASEP đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị cần có ngay hành động đề xuất với Chính phủ Trung Quốc công nhận kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam tương đồng với kiểm soát tại Trung Quốc.