Doanh thu quý III của Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) tăng 37% so với cùng kỳ
CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (Mã: LAS) vừa thông tin về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm và kế hoạch quý IV.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của LAS đạt 2.990 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Còn tính riêng quý III, doanh thu của công ty đạt 840 tỷ đồng tăng 37% so với cùng kỳ.
Sang quý IV, công ty đặt mục tiêu doanh thu 928 tỷ đồng và duy trì sản xuất ổn định kết hợp với tổ chức đại tu các dây chuyền sản xuất.
Gần đây, giá phân bón trong nước có xu hướng tăng trong bối cảnh Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này hồi đầu tháng 9, sau khi giá trong nước tăng vọt.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), đà tăng giá của phân bón có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng của giá các loại phân bón không đột biến như giai đoạn xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng.
Trong báo cáo về triển vọng ngành phân bón tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm. Theo đó, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.
Mặt khác, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Điều này có thể khiến các quốc gia tăng sản lượng gieo trồng và tăng tiêu thụ phân bón.
Theo VDSC, giá ure thế giới có thể tăng trong nửa cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.