Doanh số Thực phẩm Sao Ta quý I giảm nhẹ xuống 33 triệu USD
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết, trong quý I/2019, công ty iêu thụ 3.097 tấn tôm thành phẩm các loại, 415 tấn nông sản chế biến các loại. Doanh số chung là 33 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2018 là 2.918 tấn tôm, 335 tấn nông sản và doanh số 33,9 triệu USD.
Thực phẩm Sao Ta cho rằng, trong bối cảnh toàn ngành tôm bị sụt giảm doanh số khá lớn đầu năm thì mức tiêu thụ của công ty còn tính khả quan.
Về tình hình nuôi tôm, vụ chính đã thả 3/4 số ao, sẽ kết thúc đợt thả giống vụ chính giữa tháng 4 này. Số ao đã thả giống phát triển tốt hơn năm rồi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn nối tiếp đà giảm của năm 2018 do trùng vào thời điểm Tết nguyên đán và tồn kho trên các thị trường vẫn còn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 373,6 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thời tiết đang thuận lợi nên nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Dẫn đến xu thế nguồn cung cao và giá tôm chưa thể tăng trong những tháng đầu năm 2019.
Tại thị trường Mỹ, bên cạnh sức ép từ Chương trình Giám sát Thủy sản nhập khẩu (SIMP) và giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp thì thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ vẫn là áp lực cho doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 65,8%, tôm sú chiếm 24,3% và tôm biển 9,9%. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng giảm 20% trong khi tôm sú tăng 6% so với cùng kỳ 2018.
Trong giai đoạn này, xuất khẩu tôm Việt Nam sang 5 thị trường chính đều giảm. Trong đó giá trị xuất khẩu sang EU giảm mạnh nhất 27,6%, Nhật Bản giảm 0,9%. VASEP cho hay lượng tiêu thụ tôm Việt Nam của EU bắt đầu giảm từ nửa cuối năm 2018. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Đức và Hà Lan giảm mạnh lần lượt 16,6% và 47,5%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc giảm lần lượt 1,6%, 19,2% và 18%.