'Doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên vội vàng tham vọng làm vendor cấp 1 của Samsung'
Tại toạ đàm “30 năm lan toả vốn FDI” do BizLIVE tổ chức diễn ra chiều 6/10 tại FLC Vĩnh Phúc, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã đánh giá cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam, nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của chính quyền địa phương. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam có cơ sở hạ tầng thuận lợi, là nước có sức cạnh tranh khá tốt.
Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam. Ảnh: BizLIVE |
“Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với một nhà máy nhỏ ở TP.HCM. Trong quá trình phát triển, chúng tôi đúc rút ra kinh nghiệm là để có thể phát triển, các doanh nghiệp FDI cần có sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự tin yêu của người dân”, ông Bang nói.
Cũng theo ông Bang, nghĩ những chính sách này không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp FDI mà còn có các chính sách tương tự cho doanh nghiệp nội địa. Hy vọng các chính sách thân thiện này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
Về việc hợp tác giữa Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Bang Hyun Woo, ba năm trước Samsung chỉ có 4 doanh nghiệp cung cấp (vendor) cấp 1. Đến nay Samsung đã có 25 doanh nghiệp và cuối năm nay là 29 doanh nghiệp cung cấp cấp 1. Đây là các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho Samsung.
“Có thể bình thường mọi người Việt Nam nghĩ đến Việt Nam là các doanh nghiệp cấp 1, nhưng tôi muốn nói trong chuỗi cung ứng của Samsung thì còn rất nhiều các doanh nghiệp cấp 2, cấp 3, cung cấp sản phẩm gián tiếp. Chúng tôi đã hình thành một hệ sinh thái cung cấp sản phẩm tại Việt Nam”, lãnh đạo Samsung Việt Nam chia sẻ.
Đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE khi cho rằng Samsung không phải là doanh nghiệp lớn mà là rất lớn, ông Bang cho biết muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung các doanh nghiệp phải đạt được một số điều kiện. “Chúng tôi vẫn phải tự đi tìm các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho mình. Chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi. Hy vọng họ có thể vượt qua các điều kiện về vốn, quy mô để đạt được các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung”, ông Bang nói.
Trước câu hỏi đã được đặt ra, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trong chuỗi cung ứng của Samsung, trở thành thành viên của Samsung Electronics, ông Bang nói: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng là một điều vô cùng khó khăn”.
Theo đại diện Samsung Việt Nam, Samsung đã và đang đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, khoảng 20% tổng kim ngạch. Sản phẩm của Samsung hiện nay cũng được xuất khẩu nhiều nơi trên toàn cầu, tất cả các linh kiện mà Samsung nhập thì cần sự tin tưởng và chất lượng vô cùng cao. Để doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng được là một bài toán không hề đơn giản.
“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nên tham vọng làm vendor cấp 1 của Samsung mà trước tiên, hãy làm vendor cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, chất lượng, thì doanh nghiệp sẽ có đủ tự tin hơn để trở thành vendor cấp 1 của Samsung”, ông Bang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Bang Hyun Woo cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến giao dịch xuất phát từ thực tế Việt Nam vẫn chưa được công nhận rộng rãi là nền kinh tế định hướng thị trường. “Do đó, đôi khi điều này làm mất lợi thế riêng của mình. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ được thừa nhận là nền kinh tế theo định hướng thị trường trong một tương lai gần. Khi mà chúng ta có thể cải thiện những điều kiện liên quan đến giao dịch này thì sản phẩm của Việt Nam sẽ vươn xa hơn trên thị trường thế giới”, ông Bang cho hay.
“Lúc trước GS. Nguyễn Mại có nói Samsung muốn trở thành doanh nghiệp Việt Nam nhưng xa hơn chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp được yêu mến, tôn trọng, và trở thành doanh nghiệp mà các bạn trẻ Việt Nam muốn làm việc”, ông Bang nói thêm.
NGUYỄN THẢO