Doanh nghiệp Việt làm ăn ra sao ở Lào, Campuchia, Myanmar?
Nhộn nhịp mang chuông đi đánh xứ người
Trong những năm gần đây, các công ty từ Việt Nam tích cực đầu tư vào các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar. Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào đứng thứ nhất trong tổng số 70 quốc gia doanh nghiệp Việt Nam triển khai đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ USD.
Tháng 1 năm nay, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã nhận giấy phép đầu tư tại Myanmar. Dự kiến Mytel – tên thương hiệu Viettel tại Myanmar sẽ cung cấp dịch vụ di động vào quý I/2018, cung cấp dịch vụ 4G toàn quốc.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) năm 2016 chính thức được cấp phép thành lập chi nhánh hoạt động tại thị trường Myanmar là BIDV Yangon. Quy mô vốn cấp cho chi nhánh hoạt động ban đầu là 85 triệu USD.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất sữa liên doanh Angkor Milk tại Đặc khu kinh tế Phnompenh (Campuchia) vào năm 2015. Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2016. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) khai trương chế biến mủ cao su tại Campuchia vào năm 2015.
Năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư cho một số hoạt động kinh doanh tại Lào bao gồm kinh doanh giống bò, cao su và cọ dầu; đồng thời đầu tư 523 triệu USD vào một dự án khai thác muối kali.
Cũng trong năm 2015, HAGL hoàn thành xây dựng Sân bay Quốc tế Attapeu trị giá 36 triệu USD tại Lào và HAGL Center trị giá 550 triệu USD ở Myanmar. Năm 2016, Tập đoàn bắt đầu xây dựng giai đoạn 2 của HAGL Center và cùng Melia Hotel (Tây Ban Nha) vận hành một khách sạn hạng sang tại đây.
Công ty Cổ phần FECON trúng thầu dự án mở rộng Nhà ga Quốc tế Myanmar ở Thilawa năm 2015. FECON thành lập công ty liên doanh với một công ty địa phương tại Myanmar là FECON Rainbow để thực hiện dự án.
Đầu năm 2015, Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Đông Á ký hợp đồng liên doanh với Bộ Ngoại giao Myanmar thành lập một công ty đóng tàu tại Myanmar. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thành xây dựng một giàn khoan thăm dò 100 triệu USD ở Brunei vào năm 2015.
Có dễ kiếm lời?
Trong các doanh nghiệp Việt đang đầu tư tại nước ngoài phải kể tới Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel). Tính đến nay, Viettel đã đầu tư tại 10 thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania) thông qua công ty con là Viettel Global.
Tại 10 thị trường nước ngoài của Viettel thì Lào và Campuchia chính là hai quốc gia nước ngoài đầu tiên Viettel rót vốn đầu tư vào hai doanh nghiệp vận hành hai mạng viễn thông Unitel và Metfone, bắt đầu đi vào hoạt động năm 2008-2009.
Năm 2016, nguồn tin từ PhnompenhPost cho biết, Viettel dự định xem xét rút khỏi khoạt động tại Campuchia và một số công ty con ở nước ngoài khác để huy động vốn cho các dự án toàn cầu khác sau khi Viettel Global báo cáo mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất kể từ năm 2012.
Báo này cho biết Viettel đã lặng lẽ tìm kiếm các nhà đầu tư mua mảng kinh doanh tại Campuchia. "Họ đã cố gắng tìm nhà đầu tư cho Metfone một thời gian", nguồn tin cho hay. "Công việc kinh doanh của họ không tốt, cũng không ai muốn trở thành một cổ đông nhỏ trong khi phần lớn cổ phần vẫn do doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ".
Tháng 4/2016, Brand Finance, một công ty tư vấn tại London, đã định giá thương hiệu Metfone ở mức 94 triệu USD năm 2015, tăng gần 10% so với năm 2014.
Viettel vận hành mạng viễn thông Metfone ở Campuchia.
Tuy nhiên, công ty mẹ của Metfone - Viettel Global ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa. Năm 2015, Viettel Global đạt doanh thu 660 triệu USD, lợi nhuận ròng giảm xuống còn 22 triệu USD - mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Gần một nửa tổn thất đến từ thị trường châu Phi, nơi bốn công ty con của Viettel có mức tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2015, nhưng lại thua lỗ tới 10,4 triệu USD do bất ổn thị trường ngoại hối trong khu vực. Công ty cũng có lợi nhuận thấp hơn ở ba thị trường Đông Nam Á - Campuchia, Lào và Đông Timor - với lợi nhuận ròng giảm 28% năm 2015 xuống còn 5,5 triệu USD.
Đến hết năm 2016, Viettel Global lỗ luỹ kế 3.745 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 22.000 tỷ đồng. Dù vậy, trong thông cáo gửi báo chí mới đây, Tập đoàn Viettel khẳng định 6 tháng năm 2017, Viettel Global lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của Viettel Global đạt 46.826 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 28.491 tỷ, trong đó nợ vay là 21.099 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 18.335 tỷ đồng.
PhnompenhPost dẫn lời ông Anthony Galliano, Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Đầu tư Campuchia, cho biết Viettel có thể tìm kiếm một nhà đầu tư cho Metfone vì công ty đã xây dựng được một hệ thống mạng di động tên toàn quốc tại Campuchia - và cần thêm vốn để mở rộng hơn nữa.
Anthony Galliano giải thích: "Để làm được điều này, chi phí đầu tư vào các trạm cơ sở và hàng chục ngàn kilomet cáp sợi quang sẽ là một khoản đầu tư lớn".
Galliano cho rằng cần thiết có một khoản đầu tư bên ngoài vào Metfone vì công ty phải đối mặt với triển vọng thu hẹp lợi nhuận.
Trong khi đó, dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được kỳ vọng sẽ mang về hàng tỷ USD cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), song tập đoàn này cũng phải đối mặt với không ít thử thách khi Myanmar ban hành sắc thuế mới đánh vào các giao dịch mua bán bất động sản có hiệu lực từ tháng 4/2016.
Khu phức hợp HAGL Myanmar Center.
Theo đó, đối với giao dịch có giá 30 triệu Kyat trở xuống sẽ chịu mức thuế 15%, từ hơn 30 triệu cho đến 100 triệu Kyat sẽ chịu mức 20%, và các giao dịch trên 100 triệu Kyat (tương đương 130 tỷ đồng) sẽ bị đánh thuế 30%. Mức thuế này cao gấp 5 lần so với cuối năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 2% ở Việt Nam.
Ngoài ra, khả năng chuyển nhượng dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập hiện rất cao, lên tới 40%. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thương vụ chuyển nhượng 50% cổ phần Công ty phát triển dự án HAGL Myanmar Center cho tập đoàn bất động sản Rowsley của HAGL không thành công.
Đầu tư nước ngoài không phải là câu chuyện đơn giản là đem ngoại tệ về và đã không ít lần các doanh nghiệp phải ngậm “trái đắng”.
Trước đây, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từng góp vốn đầu tư 55,8 tỷ đồng tại Campuchia nhưng dự án này đã dừng triển khai và được giải thể trong năm 2016.
Ngoài ra, đối với một số đơn vị như Liên doanh Alumina (Campuchia) và Sắt Phu Nhuon, Muối - Hoá chất (Lào), TKV cũng trình Bộ Công Thương phê duyệt hình thức tái cơ cấu theo hướng chuyển nhượng để thu hồi vốn hoặc giải thể đối với các dự án đã hết hạn thăm dò và không được gia hạn giấy phép theo quy định của nước sở tại. Vinacomin cũng rút khỏi Công ty liên doanh sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Vinacomin Reththy-Campuchia.
Trong khi đó có dự án tưởng đã đến ngày “hái quả” rồi thì doanh nghiệp vẫn bị “sao quả tạ” rơi trúng đầu vì những rủi ro nằm ngoài tiên đoán.
Chẳng hạn như câu chuyện của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) với bán 30.000 tấn đường do doanh nghiệp này sản xuất tại Lào cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc. Kế hoạch kinh doanh này bị ách tắc cả năm trời mới giải quyết được vì gặp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA). Hiệp hội này cho rằng hợp tác này đi ngược lại lợi ích của ngành, quay lưng với người dân trồng mía ở Việt Nam.
Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nhập 30.000 tấn đường của HAGL sản xuất từ Lào vào Việt Nam tuy nhiên, tới nay bầu Đức vẫn chưa làm được điều đó.