|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Việt đừng nghe quá nhiều lời ông Donald Trump nói

22:08 | 28/06/2018
Chia sẻ
Là Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội), ông Adam Sitkoff cho biết vẫn chưa nhìn thấy những thay đổi về thương mại quá nhiều nên các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể yên tâm và không nên nghe nhiều những lời ông Donald Trump nói.
doanh nghiep viet dung nghe qua nhieu loi ong donald trump noi Tổng thống Donald Trump thông qua thuế nhập khẩu đánh lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc

Phát biểu khá ngắn gọn tại Hội thảo hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28/6, ông Adam Sitkoff đã đề cập đến vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đó là tác động từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu vào quốc gia này.

"Tôi muốn nói với các nhà xuất khẩu Việt Nam là không nên nghe quá nhiều những lời mà ông Donald Trump nói, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy những thay đổi về thương mại quá nhiều. Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ rất tuyệt vời và chúng tôi mong muốn có nhiều hơn nữa các sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu sang đất nước chúng tôi", ông Adam Sitkoff mở đầu bài diễn thuyết.

doanh nghiep viet dung nghe qua nhieu loi ong donald trump noi
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại HN

Không muốn và tự thừa nhận là không thể phân tích kỹ càng những động thái của ông Donald Trump xoay quanh các phát ngôn liên quan đến vấn đề thương mại trong thời gian gần đây, Giám đốc AmCham Hà Nội chỉ cho rằng, những chiến lược thương mại bất ổn, không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến thương mại nói chung. Nhưng nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi, chiến tranh với nhau, thì ở khía cạnh nào đó, sẽ tạo nhiều cơ hội cho của xuất khẩu Việt Nam.

Điều mà Việt Nam nên làm, theo ông Adam Sitkoff là phải xác định sản phẩm nào là thế mạnh của mình, sản phẩm nào có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. "Một chiếc xe hơi của Hoa Kỳ nhưng lại được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau, mỗi linh kiện được làm ở một quốc gia, đây chính là toàn cầu hóa thương mại, là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu", ông nói.

Giám đốc Amcham Hà Nội cho biết, mặc dù Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm mọi cách để đa dạng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thêm các thị trường mới, nên đây là sự đe dọa đối với Hoa Kỳ.

"Chúng tôi biết và lo ngại điều này, chúng tôi không thể ngồi yên và đó chính là lý do để tôi có mặt ở Hà Nội, để hỗ trợ cho xuất khẩu. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ mà còn hỗ trợ doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa hàng hóa vào Việt Nam nhiều hơn nữa", ông Adam Sitkoff cho biết.

Vị này cũng cho rằng, thời gian qua có một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị đối xử không công bằng như tôm đông lạnh bị kiện bán phá giá, nhưng trong bối cảnh chung, Việt Nam vẫn bán được rất nhiều sản phẩm tôm và người dân Hoa Kỳ vẫn muốn ăn tôm của Việt Nam, đây là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng thủy sản.

Ông Adam Sitkoff nhận định, thương mại là không đơn giản mà trong đó các quy trình thủ tục hải quan rất quan trọng. Giống như một công ty của Hoa Kỳ phải tìm hiểu quy trình hải quan của Việt Nam và thực tế, trong suốt quá trình làm việc, ông nhận được hàng triệu lời phàn nàn từ doanh nghiệp Hoa Kỳ kêu rằng bán hàng ở Việt Nam khó quá, thì ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng không nên nản chí khi xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ.

Đề cập sâu hơn nguyên nhân khiến các sản phẩm của Việt Nam bị kiện, ông Adam Sitkoff cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ đã không đầu tư thời gian, công sức để nắm bắt những quy tắc, nguyên tắc của Hoa Kỳ.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng không đăng ký quy trình giám sát chất lượng nên đã nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình xuất khẩu.

"Rất dễ dàng để đọc được những bài báo về việc tôm Ấn Độ chiến thắng tôm Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Đó là bởi họ đã đăng ký được chương trình giám sát chất lượng, còn Việt Nam thì không. Nên tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm thế nào để tăng sức cạnh tranh hơn nữa, phải thay đổi, phải cập nhật các nguyên tắc, quy tắc của Hoa Kỳ", ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Giám đốc Amcham Hà Nội thừa nhận việc này là rất khó, nhưng nếu muốn vươn xa hơn nữa, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Việt Nam phải cố gắng.

Một giải pháp khác giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, theo ông Adam Sitkoff là cần phải có sự hiện diện tốt trên internet. "Khi các bạn cập nhật đầy đủ sản phẩm của mình trên internet thì mọi người mới có thể hiểu và tìm kiếm được thông tin về sản phẩm của các bạn. Nếu bạn có một sản phẩm tốt nhưng không ai biết đến, không ai tìm ra ở đâu thì sẽ không phải là tốt", ông nói.

Cuối cùng, ông Adam Sitkoff đúc kết, rất khó tìm được một nơi nào trên thế giới là thiên đường xuất khẩu, để bán hàng một cách dễ dàng. Nên vấn đề ở đây là làm thế nào để nâng cao năng lực bản thân, để bảo vệ được sản phẩm của chính mình, tạo được sự công bằng trong thương mại.

Xem thêm

Duyên Duyên