|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vật liệu chưa hết mối lo mất sân nhà

08:15 | 31/08/2016
Chia sẻ
Dù đã khởi sắc trở lại và có sức cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, nhưng sức ép với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn còn, thậm chí được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới khi nhiều thương hiệu quốc tế lớn đang có kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam.

Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường đang đà khởi sắc trên hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là ngành xi măng.

Ngoài xi măng, kính xây dựng cũng được xem là một trong những mảng sáng của ngành vật liệu xây dựng thời gian gần đây. Hơn 1 tháng qua, kính xây dựng đã tăng giá tại thị trường bán lẻ do lượng hàng nhỏ giọt, khi các đơn vị sản xuất chuẩn bị cho công tác tiểu tu nhà máy.

Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, hiện nay, sản phẩm của các nhà máy có công nghệ hiện đại như Viglacera Bình Dương, Tràng An (Ninh Bình), VFG (Vĩnh Phúc) được nhiều khách hàng lựa chọn, bởi chất lượng sản phẩm tương đương sản phẩm cao cấp nhập ngoại, nhưng giá thành cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, ngoài các nhà máy có công nghệ hiện đại vẫn “sống tốt”, thì đa số các nhà máy có công nghệ lạc hậu rất “khó sống”.

“Đối với ngành kính, công nghệ gia công sau kính như kính cường lực, kính giãn an toàn, kính màu thì không phải loại nào cũng đáp ứng được tiêu chí. Chính vì thế, ngoài các sản phẩm đến từ các quốc gia như Bỉ, thì sản phẩm đến từ Trung Quốc giòn, dễ vỡ, không đáp ứng được tiêu chí của kính cường lực, nên các nhà sản xuất sản phẩm kính xây dựng sẽ không lựa chọn”, ông Cung đánh giá.

Một vòng quanh các cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng tại TP. HCM cho thấy, hầu như tất cả các mặt hàng đều bán khá tốt và giá đã tăng từ 15 - 30% so với giai đoạn 2013 - 2014. Chủ cửa hàng Toàn Kim Thu (đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) cho biết: “Giai đoạn này, người mua toàn chọn đồ tốt nhất để sử dụng thay vì dùng loại trung bình như trước đây. Chẳng hạn như sản phẩm Inox 304 có giá cao gấp khoảng 2 - 3 lần sản phẩm bình thường, nhưng khách vẫn mua nhiều, vì chất lượng tốt hơn. Sản phẩm sứ vệ sinh thì hàng cao cấp hoặc có tên tuổi bán chạy, các loại nhàng nhàng chỉ trưng để khách có sự so sánh, chứ khách mua rất ít”.

Dù đang trên đà khởi sắc, nhưng sức ép lên các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nội địa không phải đã qua, mà được dự báo sẽ còn lớn dần trong thời gian tới, khi một số thương hiệu lớn trên thế giới đang có kế hoạch xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đơn cử, tại Vietbuild TP. HCM 2016 lần 2 tổ chức từ 27 - 31/8, có 840 doanh nghiệp tham gia, thì có đến 403 doanh nghiệp nước ngoài và 98 doanh nghiệp liên doanh, chiếm tỷ lệ 60% số doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Trần Nam, Trưởng ban Tổ chức Vietbuild cho biết: “Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp nước ngoài tại kỳ Vietbuild này cho thấy kế hoạch lấn sân sang thị trường Việt Nam là chắc chắn. Tuy nhiên, việc ít doanh nghiệp nội tham gia triển lãm không hẳn là doanh nghiệp Việt lép vế, mà do phụ thuộc vào kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm của từng nhà sản xuất. Dù vậy, khi Vietbuild đã trở thành “sân chơi” của ngành vật liệu xây dựng và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thành công trong việc tìm khách hàng qua các kỳ Vietbuild, sẽ gây sức ép lên các nhà sản xuất trong nước là việc khó tránh”.

Thống kê khoảng 3 năm gần đây cho thấy, lượng doanh nghiệp vật liệu xây dựng nước ngoài vào Hàn Quốc hay Singapre chỉ tăng khoảng 2%, trong khi ở Việt Nam khoảng 13 - 14% mỗi năm. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn với các nhà sản xuất vật liệu nước ngoài. Do đó, nếu các doanh nghiệp sản xuất trong nước không có bước đi kịp thời, phù hợp, thì nguy cơ mất sân nhà sẽ lại lớn dần.

Theo Trung Kiên

Báo Đầu tư Bất động sản