|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp vận tải xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ

07:16 | 22/04/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị được miễn phí bảo trì trong thời gian xe không chạy.
Doanh nghiệp vận tải xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ - Ảnh 1.

Hơn 87 đầu xe của Công ty CP Vận tải ô tô Tiền Giang ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TD

Trong bối cảnh phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị được miễn phí bảo trì trong thời gian xe không chạy. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp bớt khó khăn...

Quá nhiều thủ tục, doanh nghiệp nản

Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%. Những chặng tuyến còn hoạt động cũng không hiệu quả. 

Thực tế trên khiến hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ôtô và bến xe đều “lao đao” vì dịch Covid-19. Khó càng thêm khó, các DN phải “cầu cứu” cơ quan chức năng giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ vay. Miễn phí bảo trì đường bộ cũng là một trong những đề xuất được các DN tha thiết gửi đến các cơ quan chức năng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nói: “Để được miễn phí bảo trì đường bộ, trước tiên, DN phải nộp lại phù hiệu cho Sở GTVT, sau đó cơ quan này mới xác nhận xe đã dừng hoạt động. 

Tiếp đó, phải mang giấy xác nhận và sổ đăng kiểm nộp cho cơ quan đăng kiểm mới được trừ vào tiền phí bảo trì đường bộ của kỳ tiếp theo.

“Một vài DN thì dễ, nhưng hàng trăm DN với hàng chục nghìn xe cùng xin miễn sẽ mất nhiều thời gian để Sở GTVT xác nhận xong”, ông Hải nói và cho biết thêm: Chưa tính xe tuyến cố định và xe hợp đồng, chỉ riêng taxi Hải Phòng đã có khoảng 4.000 xe. 

DN có hàng trăm xe phải đi xin xác nhận cho từng xe với nhiều thủ tục hành chính phiền hà khiến DN ngại. Chưa kể, khi DN muốn hoạt động trở lại, quy trình xin cấp lại phù hiệu như xin cấp mới, phải lấy sổ đăng kiểm nộp lại cho Sở GTVT mới được cấp lại phù hiệu.

“Nhiều DN xe hợp đồng đã dừng hoạt động mấy tháng nay, nhưng không dám nộp lại phù hiệu vì biết đâu ngày mai có thể hết cách ly được chạy lại ngay. 

Khi đó, thời gian làm thủ tục, mất mấy ngày kinh doanh còn mất nhiều tiền hơn số tiền được miễn giảm. Với số lượng hàng trăm xe, số tiền phí nộp hàng tháng cả trăm triệu đồng nhưng nhiều DN thấy thủ tục phiền hà nên ngại không muốn làm”, ông Hải nói.

Chưa phương tiện nào đủ thủ tục

Là DN có hơn 200 xe, chiếm phần lớn thị phần vận tải khách tại Bắc Giang, Công ty CP Xe khách Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Ông Nguyễn Trần Chung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, từ ngày 1 - 15/4, công ty đã dừng hẳn hoạt động kinh doanh để phòng dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. 

“Công ty đã có văn bản đề nghị được hỗ trợ như: Giảm thuế VAT xuống 5%; giảm phí BOT từ 10 - 20% đối với các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên. Nhất là chính sách miễn phí bảo trì đường bộ cho DN. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang đã trả lại đơn vị với lý do chờ hướng dẫn của Bộ GTVT”, ông Chung nói.

Xác nhận trường hợp này, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Công ty CP Xe khách Bắc Giang và một số DN có đến hỏi, đề nghị triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ. 

Sau đó, Sở có viện dẫn quy định hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc các đơn vị bị ảnh hưởng trong thời gian tối thiểu là 30 ngày mới đủ điều kiện hỗ trợ. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị mới chỉ bị ảnh hưởng trong 15 ngày nên đề nghị tiếp tục chờ hướng dẫn triển khai cụ thể của các bộ, ngành. Từ đó đến nay, toàn tỉnh chưa có DN vận tải nào kê khai, đề nghị hỗ trợ tiếp”.

Tại Long An, ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT về miễn, giảm phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, Sở đã chủ động triển khai đến các doanh nghiệp Thông tư 293/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí đường bộ. Nhưng, đến nay Long An chưa có DN nộp hồ sơ xin miễn, giảm theo thông tư này.

Tương tự, lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết, một số chủ phương tiện, DN kinh doanh vận tải đề nghị được giảm phí sử dụng đường bộ do xe bị tạm dừng vận tải để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, chưa có trường hợp xe nào được miễn phí do thiếu thủ tục, giấy tờ xác nhận của Sở GTVT địa phương được quy định tại Thông tư 293/2016 của Bộ Tài chính.

“Chủ xe kinh doanh vận tải có thể đến bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào để làm thủ tục giảm phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, quy định thủ tục là xe phải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên, nộp lại phù hiệu vận tải, giấy chứng nhận đăng kiểm cho Sở GTVT và có văn bản xác nhận của Sở GTVT về việc dừng lưu thông. 

Dù thực tế có phương tiện bị dừng do dịch nhưng chưa phương tiện nào thực hiện đủ thủ tục trên nên đơn vị đăng kiểm không thể tự miễn phí sử dụng đường bộ”, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V nói.

Xe chạy hay không, xem thiết bị GSHT là biết

Doanh nghiệp vận tải xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ - Ảnh 2.

Xe taxi của Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nằm bãi

Là một trong số các hãng taxi có số lượng xe nhiều nhất tỉnh Nghệ An, lên đến gần 300 đầu xe, Vạn Xuân taxi hiện cũng đang lâm vào cảnh khó khăn khi hai tháng liên tiếp phải dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Vạn Xuân taxi băn khoăn: “Theo quy định, phải đủ 30 ngày xe không hoạt động mới được miễn phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, thực tế đến nay các xe đã ngừng chạy được 20 ngày, nhưng nếu sau 22 ngày, 25 ngày mà Chính phủ cho hoạt động trở lại, chúng tôi có được miễn nữa không? Thời gian trước ngày 1/4 cũng có rất nhiều phương tiện phải nghỉ vì giãn cách xã hội vì không có khách, vậy có được hỗ trợ miễn giảm hay không?”.

Sẽ sửa quy định cho phù hợp với thực tế
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Quang Hưng, Phó trưởng Phòng Chính sách phí và lệ phí, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 28/2 vừa qua Bộ Tài chính đã có hai văn bản gửi hai Bộ, trong đó có Bộ GTVT về việc thực hiện chính sách thu phí bảo trì đường bộ. Các doanh nghiệp có thể thông qua Bộ GTVT để Bộ GTVT rà soát và gửi đề xuất về Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ soạn thảo thông tư chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tế. Lưu Thủy.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Quang Hưng, Phó trưởng Phòng Chính sách phí và lệ phí, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 28/2 vừa qua Bộ Tài chính đã có hai văn bản gửi hai Bộ, trong đó có Bộ GTVT về việc thực hiện chính sách thu phí bảo trì đường bộ. 

Theo ông Đạt, các cơ quan QLNN cần chủ động trong việc hỗ trợ DN vận tải như các ngành nghề khác. “Ngân hàng cho giảm lãi, thuế cho giảm thuế, bảo hiểm giảm phí... nên chăng cũng cần thực hiện miễn phí bảo trì đường bộ luôn, thay vì cứng nhắc buộc lái xe, DN tới nộp phù hiệu, làm hồ sơ, đi xác nhận. Xe chạy hay không thì cơ quan quản lý chỉ cần mở thiết bị GSHT lên là biết. 

Thêm nữa, việc dừng hoạt động này thực hiện trên cả nước theo Chỉ thị của Thủ tướng thì việc miễn phí là điều tất yếu, tại sao lại bắt phải làm hồ sơ xác nhận?”, ông Đạt đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho rằng, quy định xe dừng trên 30 ngày mới được giảm phí là quy định trong điều kiện bình thường, còn trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh, xe dừng hoạt động là chủ trương chung toàn quốc.

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT đã quyết định cho dừng toàn bộ hoạt động của các tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô trong vòng 15 ngày. Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng có văn bản tạm đình chỉ hiệu lực phù hiệu của kinh doanh vận tải, đương nhiên xe kinh doanh vận tải đã dừng hoạt động. Những văn bản có tính pháp lý đó hoàn toàn có thể thay được xác nhận của Sở GTVT về xe dừng hoạt động.

“Không nên nặng nề quá về thủ tục hành chính trong điều kiện dịch bệnh, hỗ trợ nửa tháng hay một tháng hay cũng là động viên DN. Cũng tương tự như ngân hàng tự động giảm lãi cho DN. 

Thay vì phải làm nhiều thủ tục, chỉ cần Sở GTVT xác nhận bằng email về số lượng xe dừng hoạt động và cơ quan đăng kiểm cập nhật vào hệ thống, tự khấu trừ phí bảo trì đường bộ tương ứng với thời gian xe dừng hoạt động vào kỳ đóng tiếp theo”, ông Hải đề xuất.

Ở góc độ cơ quan đăng kiểm, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết: Cơ quan đăng kiểm không thể tự quyết việc giảm trừ thu phí đường bộ đối với trường hợp xe kinh doanh vận tải bị cơ quan chức năng thu hồi phù hiệu vận tải để phục vụ mục đích phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ khi Bộ Tài chính có văn bản quy định, hướng dẫn đối với việc không thu phí đường bộ đối với trường hợp dừng dưới 30 ngày do dịch, cơ quan đăng kiểm mới không thu. “Nên xem xét việc dừng quyết định thu hồi phù hiệu vận tải của cơ quan chức năng để chống dịch, làm căn cứ để thực hiện việc miễn phí đường bộ trong thời gian xe tạm dừng hoạt động”, ông Bình cho biết.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V cho rằng, việc nhiều xe kinh doanh vận tải bị dừng do dịch Covid-19 là tình huống phát sinh, để tháo gỡ vướng mắc đối với trường hợp xe dừng dưới 30 ngày, Bộ Tài chính chỉ cần có văn bản hướng dẫn để Sở GTVT, đơn vị đăng kiểm có thể thực hiện, thay vì phải sửa đổi Thông tư 23/2016.

Về số lượng xe đã làm thủ tục miễn, Cục Đăng kiểm VN cho biết, thông thường các phương tiện tạm nghỉ lưu hành và được miễn phí sử dụng đường bộ, khi đi đăng kiểm tiếp theo mới làm thủ tục, tính toán đối trừ số phí được giảm. Do đó, hiện chưa thống kê được số lượng xe đã nghỉ lưu hành và được miễn phí.

“Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ phương tiện bằng cách gia hạn thời hạn giấy chứng nhận đăng kiểm đối với tàu biển chạy tuyến quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời báo cáo Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính xem xét, bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận xe cơ giới đang lưu hành đối với phương tiện bị ảnh hưởng”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Đề xuất giãn thời gian nộp phí bảo trì đường bộ

Doanh nghiệp vận tải xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trước mắt, Chính phủ đang tập trung hỗ trợ đời sống cho đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chỉ đạo hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian vay cho doanh nghiệp.

Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và trình Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn theo hướng giãn cách thời gian nộp phí bảo trì đường bộ. Hiện, nguồn vốn thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ đã được nhập vào ngân sách Nhà nước và được điều hành theo Luật Ngân sách. Căn cứ vào tình hình thực tiễn Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Trước đó, trong văn bản trả lời Công ty TNHH Du lịch & Vận tải Sen Vàng về đề nghị dừng đóng phí đường bộ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GTVT cho biết, căn cứ vào quy định tại Khoản 2, Điều 19 của Thông tư 293/2016, các xe kinh doanh vận tải thuộc hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên phải làm đơn xin tạm dừng lưu hành gửi Sở GTVT nơi quản lý, cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải hoặc nơi sử dụng phương tiện kèm theo giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ngay sau khi Sở GTVT kiểm tra và xác nhận vào đơn, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi đơn cho đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Doanh nghiệp sẽ không phải chịu phí sử dụng đường bộ đối với các xe tạm dừng lưu hành từ 30 ngày trở lên tính từ ngày Sở GTVT xác nhận vào đơn xin tạm dừng lưu hành. Doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định tại Thông tư 239/2016 của Bộ Tài chính để thực hiện.

PV

Ông Lê Anh Điệp, Tổng giám đốc công ty Bilines:

Mong được chậm nộp 2 - 3 tháng

Bằng giờ mọi năm, chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng đầu năm nay, tần suất xe chạy giảm tới hơn 70% và mỗi xe chạy có lượng hàng hóa chỉ đáp ứng 10% số chuyến của xe dẫn tới doanh thu của công ty ước giảm hơn 2 - 3 tỷ đồng.

Để được giảm phí bảo trì đường bộ, các thủ tục để khai báo với cơ quan chức năng e rằng rất mất nhiều thời gian trong khi doanh nghiệp đang tập trung tìm cách tháo gỡ khó khăn… Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn được gia hạn thêm thời gian đóng phí bảo trì đường bộ. Chẳng hạn, đến tháng 12/2020 là thời điểm doanh nghiệp đóng phí thì Nhà nước cho gia hạn thêm 2 -3 tháng tiếp theo mới phải đóng.

Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô tỉnh Hà Tĩnh:

Doanh nghiệp cũng phải chủ động

Trước đây, các doanh nghiệp vận tải khách có xe không chạy hoặc xe bị tai nạn phải đưa vào xưởng sửa chữa một thời gian dài cả mấy tháng trời. Thế nhưng, khi đi kiểm định thì vẫn đóng phí bảo trì đường bộ. Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp, đơn vị không nắm hết các quy định của Nhà nước.

Trong đợt dịch vừa qua, sau khi nghiên cứu sâu các quy định của Nhà nước thì chúng tôi mới phát hiện việc miễn phí bảo trì đường bộ đã có từ năm 2016, được quy định tại Thông tư số 293/2016 của Bộ Tài chính. Sau khi nắm rõ các quy định của Nhà nước, hiệp hội đã có văn bản gửi cho các doanh nghiệp hội viên để chủ động triển khai.

Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp vận tải khách đã làm hồ sơ và gửi hồ sơ, biển số xe, phù hiệu xe cho Phòng Giao dịch một cửa Sở GTVT Hà Tĩnh. Việc triển khai hồ sơ, thủ tục miễn phí đường bộ chưa có gì khó khăn, vướng mắc.

Nhóm PV