|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Mỹ phải vận động hành lang ‘mệt nghỉ’ để ông Trump nới lỏng lệnh cấm cho Huawei

22:24 | 03/07/2019
Chia sẻ
Tuyên bố của Tổng thống Trump về việc cho phép doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei được đưa ra sau khi ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ thực hiện một chiến dịch vận động hành lang sâu rộng với lập luận rằng lệnh cấm có thể gây tổn hại tới an ninh quốc gia và sức khỏe kinh tế của Mỹ.

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp ngành công nghệ bán dẫn của Mỹ đã tổ chức nhiều buổi gặp cấp cao cũng như gửi một bức thư lên Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các hành động chống lại Huawei nên có tính chọn lọc thay vì áp một lệnh cấm toàn diện như chính quyền của Tổng thống Trump làm hồi giữa tháng 5.

Các biện pháp chọn lọc này bao gồm xác định cụ thể những loại công nghệ nào mà Huawei không được phép tiếp cận và rồi cho phép doanh nghiệp Mỹ cung cấp các công nghệ còn lại.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) – một tổ chức đại diện quyền lợi của các doanh nghiệp như Intel, Broadcom và Qualcomm đã bày tỏ với chính quyền Tổng thống Trump rằng lệnh cấm đang áp lên Huawei sẽ khiến các công ty này bị coi là đối tác không đáng tin cậy và do vậy gặp khó khăn nghiêm trọng khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bloomberg còn dẫn một nguồn tin thân cận cho biết: Tháng trước, đại diện của các nhà sản xuất chip đã gặp Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trình bày lập luận rằng việc đặt Huawei - tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vào cái gọi là "Danh sách Thực thể"  có thể gây tổn hại cho nước Mỹ.

Theo bức thư mà Bloomberg có được, Hiệp hội SIA cho rằng lệnh cấm sẽ khiến cho các thành viên của hiệp hội có nguy cơ bị mất đi thị trường lớn nhất của mình, làm giảm khả năng đầu tư của các công ty này. Đồng thời, trong nhiều trường hợp Huawei có thể kiếm được các sản phẩm cần thiết từ những nguồn khác, lá thư của doanh nghiệp Mỹ nói thêm.

lobby

Nhu cầu chip khổng lồ của Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

"Các lệnh cấm có phạm vi quá rộng không chỉ cản trở hoạt động kinh doanh của công ty bán dẫn Mỹ trên thế giới, mà còn khiến các công ty Mỹ bị coi là nhiều rủi ro và không đáng tin cậy. Do đó, các lệnh cấm này đe dọa sự thành công của toàn ngành công nghệ Mỹ và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của chúng ta", SIA viết trong một bức thư hồi tháng trước.

Hiệp hội này cũng cho rằng chính quyền của ông Trump nên đánh giá những yếu tố trên khi xem xét đề nghị cấp phép xuất khẩu cho Huawei của các doanh nghiệp Mỹ. Có vẻ những lập luận này của doanh nghiệp Mỹ đã tìm được đường đến tai ông Trump. 

Sau cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka ngày 29/6 vừa qua, ông Trump cho biết các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra không hài lòng với chính sách liên quan tới Huawei và thông báo ông đã đồng ý để các doanh nghiệp này tiếp tục bán một số sản phẩm và công nghệ cho đại gia viễn thông Trung Quốc.

"Tôi đã dễ dàng đồng ý cho doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei và vì vậy doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục bán. Rõ ràng các doanh nghiệp này không hài lòng với lệnh cấm vì họ chẳng có liên quan gì đến những chuyện có khả năng xảy ra với Huawei".

Sau đó, ông Trump làm rõ ý mình khi nói ông sẽ chỉ cho phép bán "những thiết bị không có vấn đề mang tính khẩn cấp quốc gia". Tuyên bố này của ông Trump khiến các doanh nghiệp và giới phân tích phải bối rối và Nhà Trắng vẫn chưa công bố một hướng dẫn rõ ràng về cách thức hợp tác làm ăn với Huawei.

Cố vấn thương mại Nhà trắng ông Peter Navarro cho rằng hoạt động của Huawei trong phát triển mạng 5G vẫn là một "nguy cơ an ninh quốc gia" nhưng việc bán cho hãng này "một số lượng nhỏ chip cấp thấp" cũng không phải là "chuyện  xấu" nếu nó có tác dụng thuyết phục Trung Quốc quay lại bàn đàm phán thương mại.

"5G là một vấn đề 'siêu to khổng lồ', nhưng bán cho Huawei vài con chip thì không đáng gì', ông Navarro nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC.

Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin phép xuất khẩu, trong đó giải thích mức độ quan trọng của giao dịch đối với quan hệ làm ăn của mình. Khi có đủ các bằng chứng xác thực ủng hộ việc cấp phép, Bộ sẽ ra quyết định cấp phép.

Huawei bị cấm, doanh nghiệp Mỹ sốt ruột

Các nhà sản xuất chip của Mỹ đang như "ngồi trên đống lửa" vì các tranh chấp thương mại và lệnh cấm vì lí do an ninh áp dụng với Huawei.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp Mỹ, đóng góp khoảng 1/3 doanh thu. Các doanh nghiệp này đang lập luận rằng không phải tất cả hàng xuất khẩu cho Huawei đều gây ra rủi ro an ninh quốc gia và đa phần số hàng này đều có thể dễ dàng được thay thế với sản phẩm từ quốc gia khác.

Do chi phí nghiên cứu và phát triển rất lớn, việc để lỡ nguồn doanh thu tại một thị trường lớn có thể tác động xấu đến năng lực cạnh tranh của các hãng sản xuất chip của Mỹ.

Sự lo lắng của các doanh nghiệp này tăng lên sau khi Trung Quốc phản ứng với lệnh cấm Huawei của Mỹ bằng tuyên bố sẽ lập danh sách các doanh nghiệp nước ngoài "không đáng tin cậy". 

Sau đó, doanh nghiệp Mỹ càng thêm sợ hãi khi quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc còn triệu tập đại diện hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đến gặp mặt và đe dọa đưa những doanh nghiệp này vào "danh sách đen" nói trên nếu Mỹ không nới lỏng lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc.

Giải pháp của ngành sản xuất chip của Mỹ là đề nghị chính phủ thu hẹp lệnh cấm. Họ cho rằng có những "yết hầu" quan trọng gồm các công nghệ thiết yếu, mà nếu thiếu những công nghệ này, Huawei sẽ bị kìm hãm nhưng không đến nỗi "tàn phế". 

Trong nhiều trường hợp, cung cấp chip mà không kèm theo hỗ trợ kĩ thuật và phần mềm để tích hợp vào hệ thống là đủ để gây khó cho Huawei, nguồn tin thân cận của Bloomberg trong ngành sản xuất chip của Mỹ cho biết.

Song Ngọc, Kiên Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.