Doanh nghiệp mua lại hơn 73.000 tỷ đồng trái phiếu sau vụ Tân Hoàng Minh
Trong thông cáo báo chí vừa ban hành, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 262.250 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 52,3% khối lượng phát hành có tài sản đảm bảo.
Lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.
Về cơ cấu phát hành, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành đạt lần lượt là 33,58% và 9,41% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đạt 4,1%; doanh nghiệp sản xuất đạt 8,7%; các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành đạt 33,6%.
Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp, các NHTM mua 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.
"Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 để sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất", thông cáo nêu rõ.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy, nếu như trong quý I, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.
Bên cạnh đó, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn với khối lượng mua lại trong 6 tháng đầu năm đạt 62.000 tỷ đồng.
Trong đó tập trung chủ yếu vào quý II (đạt 49.100 tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành đã tăng trở lại. Như vậy, chỉ tính từ tháng 4 đến cuối tháng 7, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại đạt hơn 73.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành thấp hơn rất nhiều so với quý I/2022.
Theo thống kê của FiinGroup, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là hai nhóm có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất, đạt 41,85% và 22,76% trong 6 tháng đầu năm, tương đương với 30.200 tỷ đồng và 16.400 tỷ đồng.
Hoạt động mua lại này xuất phát từ các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến các doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 cũng buộc một số doanh nghiệp bất động sản phải tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu của trái chủ.
Đơn vị này nhận định, mặc dù giá trị trái phiếu mua lại lớn đã làm giảm áp lực nợ đáo hạn nhưng vẫn còn lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết.
Giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 theo đơn vị này sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị so với con số 16% của các doanh nghiệp niêm yết. Áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong gia đoạn 2023 – 2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.