|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp Hàn tiếp tục sa lầy vì bị tẩy chay ở Trung Quốc

07:15 | 12/04/2017
Chia sẻ
Riêng Hyundai chứng kiến doanh số sụt giảm tới 50% trong tháng ba do làn sóng tẩy chay doanh nghiệp Hàn Quốc vì hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD.
doanh nghiep han tiep tuc sa lay vi bi tay chay o trung quoc
Một đại lý bán xe hơi Hyundai ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục thiệt hại vì làn sóng tẩy chay.. Ảnh: Nikkei Asian Review
doanh nghiep han tiep tuc sa lay vi bi tay chay o trung quoc Trung Quốc tẩy chay hàng hóa, Hàn Quốc khiếu nại lên WTO
doanh nghiep han tiep tuc sa lay vi bi tay chay o trung quoc Hàng loạt công ty Trung Quốc tẩy chay tập đoàn Lotte

Tại Trung Quốc, làn sóng tẩy chay các sản phẩm xuất xứ Hàn cũng như tour du lịch đến đất nước này vẫn tiếp tục diễn ra, nhằm phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, với tên viết tắt THAAD do Mỹ triển khai. Hậu quả là hàng loạt cửa hàng cửa hiệu bán sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc đã phải đóng cửa. Các tour du lịch từ Trung Quốc đến Hàn Quốc phải chuyển hướng.

Những ngày này, giới buôn bán xe nhãn hiệu Hyundai ở Bắc Kinh chào khuyến mãi giảm giá tới 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.900 USD) cho mỗi sản phẩm. Nhà sản xuất chứng kiến doanh số bán xe mới tại thị trường Trung Quốc trong tháng 3 giảm tới 52,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 72.032 chiếc. Đây là lần đầu tiên kể từ 2009 đến nay, thương hiệu này có doanh số dưới 70.000 chiếc. Các nhân viên kinh doanh cho biết lượng khách hàng đến đại lý giảm 20 đến 30% so với thời gian cao điểm. Thậm chí, việc doanh số giảm đột ngột có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khởi động nhà máy mới hoàn thành của Hyundai ở thành phố Trùng Khánh.

Theo hãng nghiên cứ thị trường IHS Automotive của Anh Quốc, thị phần Hyundai tại Trung Quốc hiện vào khoảng 7,7%, xếp thứ ba sau Volkswagen và General Motors. Tuy nhiên, trong tháng ba, doanh số của Hyundai đã tụt lại sau các đối thủ Nhật Bản vốn có thị phần thấp hơn như Nissan Motor, Honda Motor, Toyota Motor.

Làn sóng phản đối Hàn Quốc dâng lên sau khi Mỹ và Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống THAAD hồi tháng 7 năm ngoái, trên khu đất thuộc sở hữu của Tập đoàn Lotte. Theo tờ Nikkei Asian Review, những phản ứng từ đó đến nay là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc cũng như giới tư nhân đang ra sức trừng phạt Hàn Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cho biết Lotte, tâm điểm của làn sóng phản đối đã phải dừng hoạt động tại 87 trong tổng số 99 siêu thị. Chính quyền địa phương còn yêu cầu một số địa điểm của Lotte ngừng kinh doanh, với lý do vi phạm an toàn phòng cháy và các vi phạm khác. Lotte cũng phải chủ động đóng cửa nhiều địa điểm khác do đầu mối ngừng cung cấp hàng.

Tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh nơi gần Bán đảo Triều Tiên, có những trường hợp các công ty Hàn Quốc bất ngờ bị yêu cầu rời văn phòng, hàng nhập khẩu bị giữ lại ở hải quan. Trên mạng Internet ở Trung Quốc, người ta thường xuyên nhìn thấy những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc.

Ngành du lịch Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khi có tới một nửa lượng du khách là người Trung Quốc. Theo nguồn tin thân cận của tờ Nikkei, Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã nói với các đại lý về việc dừng tour theo nhóm đến Hàn Quốc. Khách lẻ cũng được khuyên nên tránh đến Hàn Quốc thời gian này.

Hãng hàng không quốc doanh China Southern Airlines dừng một phần ba trong tổng số 30 chuyến bay mỗi ngày đến Hàn Quốc vì lượng hành khách giảm mạnh. Royal Caribbean Cruises, hãng tàu du lịch tàu biển lớn thứ hai thế giới đã phải bỏ qua hai điểm đến tại Hàn Quốc là Busan và đảo Jeju, thay vào đó chuyển hướng đến Nagasaki và Kumamoto ở Nhật Bản.

Trung Quốc vốn có "truyền thống" tẩy chay các công ty lẫn quốc gia mỗi khi chia rẽ về mặt ngoại giao. Hồi 2008, người tiêu dùng Trung Quốc tổ chức một cuộc tẩy chay đối với nhà bán lẻ Pháp Carrefour khi có bất đồng giữa Trung Quốc và Pháp. Năm 2012, một số đại lý xe hơi Nhật bị phá hoại và doanh số bán xe Nhật giảm còn nửa trong cao điểm bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật về vấn đề quần đảo tranh chấp.

Vân Vũ