Trung Quốc tẩy chay hàng hóa, Hàn Quốc khiếu nại lên WTO
THAAD, viết tắt của Terminal High Altitude Area Defense (THAAD) là Hệ thống phòng thủ Tên lửa Tầm cao của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Nguyên do của làn sóng tẩy chay, trả đũa này là hệ thống phòng thủ tên lửa có tên viết tắt THAAD mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định mục đích duy nhất của hệ thống là chỉ nhằm phòng vệ trước các hành động phóng tên lửa của Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc cho rằng hệ thống này có radar đủ mạnh để có thể nhìn xuyên thấu vào lãnh thổ nước này.
"Chúng tôi đã thông báo lên WTO rằng Trung Quốc có thể đang vi phạm một số thỏa thuận thương mại", Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan phát biểu trước Quốc hội, trả lời về các câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc trong ngày hôm qua.
Giới phân tích cho rằng hiện Hàn Quốc có hai lựa chọn, tiếp tục gửi đơn phàn nàn lên WTO nếu Trung Quốc có thêm bất cứ hành động nào, hoặc gia tăng mức độ quan ngại bằng cách chỉ rõ Trung Quốc đang làm gì sai, thậm chí phát động một cuộc tranh chấp thương mại.
Khi được hỏi sẽ làm gì tiếp theo, Bộ trưởng Thương mại Joo nói sẽ tăng cường đối thoại với Bắc Kinh và hành động nếu cần thiết. Chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Bất đồng về hệ thống THAAD đã khiến lượng du khách từ Trung Quốc đến Hàn Quốc sụt giảm mạnh, cũng như ảnh hưởng đến các trung tâm mua sắm tại nước này.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã đóng cửa khoảng hai chục trung tâm bán lẻ của tập đoàn Lotte, Hàn Quốc đặt tại Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận rõ ràng rằng các hành động nói trên có liên quan đến việc triển khai hệ thống THAAD.
Bộ trưởng Joo cho biết vấn đề này đã được gửi lên Hội đồng Thương mại của WTO vào thứ Sáu tuần trước.
Một thành viên của Bộ Thương mại nói với Reuters rằng lời phàn nàn này không được xem là một hành động pháp lý, nói đúng hơn nó là một yêu cầu đối với WTO, về việc cần phải xem xét liệu Trung Quốc đã thực thi các thỏa thuận một cách công bằng hay chưa.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao không bình luận trực tiếp vào đơn khiếu nại của Hàn Quốc và nói: "Chúng tôi ủng hộ các doanh nghiệp bình thường và các trao đổi khác giữa hai nước. Nhưng mọi người đều biết rằng vấn đề này cần một nền tảng phù hợp về vấn đề ý kiến dư luận".
Dù bày tỏ quan ngại hệ thống radar, Bắc Kinh cho rằng hệ thống THAAD sẽ không có tác dụng làm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên - Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, các nhà làm luật chỉ trích chính phủ thiếu những đáp trả quyết liệt trước hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc ngừng các chương trình truyền hình Hàn Quốc, tẩy chay âm nhạc và sản phẩm Hàn Quốc.
Theo một số nguồn tin, nhân sự kiện cuộc họp các Bộ trưởng tài chính G20 tại Đức hôm cuối tuần vừa rồi, Hàn Quốc dự định tổ chức một cuộc bàn bạc trực tiếp, nhưng phía Bắc Kinh đã từ chối lời mời họp.