|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI muốn minh bạch, sòng phẳng ‘chuyển giá’

21:06 | 03/07/2020
Chia sẻ
Cho rằng hệ thống pháp luật về giao dịch liên kết còn thiếu nhất quán, dễ gây tranh cãi về chuyển giá, các doanh nghiệp FDI kiến nghị sửa lại luật, tạo sân chơi minh bạch.
Doanh nghiệp FDI muốn minh bạch, sòng phẳng ‘chuyển giá’ - Ảnh 1.

Đại diện một số doanh nghiệp FDI tham dự diễn đàn kinh tế tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

Luật thiếu rõ ràng

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong năm 2019, ngành thuế đã thanh kiểm tra 816 doanh nghiệp (DN) có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó truy thu, truy hoàn và phạt 1.719 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 7.000 tỉ đồng... Tổng cục Thuế đã thanh tra tại một số DN như Coca - Cola Việt Nam, truy thu và phạt hơn 821,4 tỉ đồng; Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, truy thu và phạt 19,05 tỉ đồng…

Đặc biệt, Thanh tra Tổng cục Thuế cũng đã công bố kết quả vụ việc thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam), truy thu và phạt hơn 917,2 tỉ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách và DN đã chấp hành; Công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỉ đồng…

Đại diện Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế, cho biết về cơ bản chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay nhóm liên kết. Hay việc các thành viên trong tập đoàn câu kết với nhau để nâng giá vật tư, thiết bị đầu vào, kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ để không phải đóng thuế.

Theo đánh giá của một số tổ chức, trong 20 năm qua,  quy định về giao dịch liên kết liên tục được điều chỉnh nhưng chỉ đến khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết và Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thì giao dịch liên kết mới được nhìn nhận và điều chỉnh một cách toàn diện.

Sau một thời gian triển khai, nghị định vẫn còn bộc lộ một số bất cập và chưa có tính khả thi. Theo đó, nghị định chưa có khái niệm rõ ràng về “chuyển giá”; thiếu các quy định cụ thể để xác định các trường hợp giao dịch liên kết hay chuyển giá. Ngoài ra, cơ chế xử lí các giao dịch liên kết chưa thực sự phù hợp và hiệu quả.

Chính vì những hạn chế này mà việc xác định các giao dịch liên kết và chuyển giá cũng như những kết luận thanh tra, kiểm tra về các giao dịch này còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn, gây ra những quan ngại đối với các nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa qua, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đã chia sẻ: “Các hạn chế đầu tư nước ngoài, khung pháp lí hạn chế và luật pháp được thi hành không đồng đều, các thủ tục hành chính gây khó khăn nên được xem xét và nới lỏng có chọn lọc để khuyến khích đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Có lẽ, điều quan trọng nhất là ban hành các thủ tục kiểm toán và thuế công bằng và nhất quán. Các thành viên của chúng tôi thường xuyên cảm thấy rằng còn nhiều điểm thiếu nhất quán và gây tranh cãi trong hệ thống thuế và kiểm toán”.

Doanh nghiệp FDI muốn minh bạch, sòng phẳng ‘chuyển giá’ - Ảnh 2.

Metro từng dính nghi án chuyển giá tại Việt Nam. Ảnh Ngọc Thắng

Rõ ràng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Giải pháp nào?

Để khắc phục tình trạng này, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính, cho biết trước hết cần phải có một ngân hàng giá. Qua đó có được kho dữ liệu, mức giá khác nhau của các sản phẩm để có được sự giám sát tốt khi các doanh nghiệp kê khai giá không đúng và yêu cầu kê khai lại hay kê khai theo giá thị trường.

Thứ hai, phải có các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về chuyển giá, các hệ thống dữ liệu để có thể tra cứu. Ngoài ra, phải áp dụng APA (thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế) để từ đó có sự thống nhất về giá với những mặt hàng mà Việt Nam chưa có hoặc với những giao dịch liên kết để giảm thiểu hoạt động chuyển giá.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cũng cho rằng, để kiểm soát chuyển giá hiệu quả, trước hết cần kiểm soát để đảm bảo giảm bớt hành vi lách thuế bằng cách hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường năng lực của các cán bộ làm công tác thuế để đánh giá được hành vi nào là hành vi sai trái; củng cố hệ thống công nghệ thông tin để khâu quản lí được công khai minh bạch hơn.

Trước đây, một chuyên gia thuế quốc tế cũng từng nhấn mạnh, chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp, chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp.

Chuyên gia này đánh giá cao việc sử dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) theo nguyên tắc cơ bản về “giá thị trường” của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD).

Nhiều ý kiến khác cũng phản ánh, những sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lí cho vấn đề giao dịch liên kết và chuyển giá ở Việt Nam cần được thực hiện theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế, tạo cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tránh những quy định gây cản trở sự phát triển, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp để tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư, thu hút làn sóng FDI.

Một môi trường chính sách rõ ràng và ổn định kết hợp với một cơ chế thực thi minh bạch dựa trên pháp luật và thực tiễn hoạt động của DN cũng như thông lệ quốc tế chính là những kiến nghị và mong đợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Anh Vũ