|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp Đức cố gắng tiết kiệm khí đốt song không ảnh hưởng tới sản xuất

21:25 | 23/11/2022
Chia sẻ
Ngày 22/11, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức cho biết, nhiều công ty Đức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã cắt giảm sử dụng khí đốt tự nhiên, song cố gắng để không ảnh hưởng sản xuất.

Trong sáu tháng qua, 75% các công ty được ifo khảo sát đã cố gắng giảm mức tiêu thụ khí đốt trong quy trình sản xuất mà không cắt giảm sản lượng.

Karen Pittel, Giám đốc Trung tâm Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên Ifo, cho biết: "Tỷ lệ đáng kể này là rất đáng khích lệ, nhưng sự khác biệt giữa các ngành là rất lớn".

Cuộc khảo sát cho thấy, ngành công nghiệp ô tô và các nhà sản xuất máy móc và thiết bị đã thành công hơn trong việc cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất so với ngành hóa chất, vốn sử dụng nhiều năng lượng, với tỷ lệ thành công chỉ là 60%.

Do việc cắt giảm sản lượng bởi thiếu khí đốt, tình hình trong ngành công nghiệp hóa chất của nước Đức vẫn căng thẳng. Người phát ngôn của Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức (VCI) nói: "Không có dấu hiệu cải thiện trong những tháng tới. Ngược lại, nguồn cung hóa chất thậm chí vẫn chưa chạm đáy".

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, so với nửa cuối năm ngoái, giá khí đốt cho các doanh nghiệp và cơ quan công quyền đã tăng 39% trong nửa đầu năm 2022 và giá điện đắt hơn khoảng 19%.

Triển vọng sáu tháng tới, Ifo cho biết, 41,4% các công ty công nghiệp cho rẳng, cách duy nhất để họ tiết kiệm nhiều khí đốt hơn là cắt giảm sản lượng. Con số này đặc biệt cao trong các ngành công nghiệp thủy tinh và gốm sứ, dược phẩm và hóa chất.

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) cho biết trong báo cáo thường niên vào đầu tháng 11 này rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên sản xuất, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

Nền kinh tế Đức dự kiến sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,2%.

Minh Trang (Theo THX)

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.