|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp du lịch \"sốc\" với giá thuê đất

09:33 | 18/12/2016
Chia sẻ
Giá thuê đất tăng đột biến từ 5 đến 20 lần khiến các dự án du lịch do các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) bị ngưng trệ.

Nhiều DN du lịch đang hoạt động ổn định hàng chục năm qua cũng phải “kêu trời” và không dám đầu tư cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch mới…

Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị “Đối thoại với DN ngành du lịch” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh BR-VT phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức, diễn ra vào ngày 16/12.

Tham dự hội nghị có các ông: Bùi Sỹ Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế Tổng Cục đất đai, Bộ TN&MT; Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Cục Thuế tỉnh và đông đảo các DN du lịch trên địa bàn tỉnh.

Giá thuê đất tăng đột biến

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười phản ánh:Công ty hiện đang quản lý, sử dụng 2 khu đất trên đường Thùy Vân, TP.Vũng Tàu.Khu đất Khách sạn Tháng Mười đã có hợp đồng thuê đất thời hạn 33 năm với diện tích gần 28.000m2. Khu đất bãi biển (KDL San Hô Xanh hiện hữu, tổng diện tích là 16.500m2) chưa có hợp đồng thuê đất và hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng.

Từ năm 2013 đến nay, giá thuê đất tại DN này đã 2 lần tăng. Cụ thể, năm 2013-2014, tăng 1,9 lần so với trước năm 2013, tương đương với mức tăng 1,163 tỷ đồng/năm. Năm 2015, tăng tiếp 7,37 lần, tương đương 8,6 tỷ đồng/năm.

“Biên độ tăng giá như vậy là không hợp lý, gây sửng sốt cho DN và các nhà đầu tư. Vốn điều lệ của Công ty chỉ có 8,1 tỷ đồng, nhưng tiền thuê đất đã lên tới 8,575 tỷ đồng/năm. Với mức tiền thuê đất này, DN làm sao gánh nổi”, ông Sỹ nói.

Giá thuê đất tăng “chóng mặt” cũng là vấn đề mà ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nghinh Phong bức xúc. Ông cho biết, năm 2016, Công ty nhận được 2 thông báo nộp tiền thuế của Cục Thuế với tổng số tiền phải nộp gần 8 tỷ đồng, tăng 18,13 lần so với các năm 2013, 2014 và 2015.

“Đây là khoản chi phí phát sinh quá cao và ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh doanh của Công ty. Đặc biệt, trong bối cảnh Công ty mới thành lập và ngành du lịch tỉnh đang bị bão hòa do có nhiều đối thủ cạnh tranh từ các tỉnh, thành cùng kinh doanh loại hình du lịch biển. Nếu đóng tiền thuế đất theo như thông báo trên thì tiền thuê đất chiếm ½ doanh thu cả năm của đơn vị, đó là điều bất hợp lý trong kinh doanh”, ông Dũng chia sẻ.

Một số DN khác cũng “đứng ngồi không yên” khi nhận được thông báo của Cục Thuế về việc nộp tiền thuê đất năm 2016. Cụ thể, tại Công ty TNHH Janhold- OSC, số tiền thuê đất phải đóng gần 11,7 tỷ đồng, tăng 21,2 lần so với những năm trước; Công ty CPDu lịch Cáp treo Vũng Tàuphải nộp 1,45tỷ đồng, tăng 19,6 lần so với trước…

doanh nghiep du lich soc voi gia thue dat

Doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan"

Ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Gần đây, các DN trong và ngoài nước đã và đang đầu tư các dự án du lịch lớn vào BR-VT bị ngưng trệ và “tiến thoái lưỡng nan” do giá thuê đất không ổn định, không theo kế hoạch lập dự án kinh tế ban đầu.

Cụ thể, dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm du lịch quốc tế Dragon Sea của Công ty TNHH Sky Brigde Dragon Sea (Hoa Kỳ) tại Chí Linh, TP.Vũng Tàu. Dự án này có vốn đầu tư 900 triệu USD, được cấp giấy phép năm 2010 với giá thuê đất 50 năm trả một lần và được tính 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến năm 2012, khi Công ty chuyển trả tiền thuê đất và triển khai công trình thì giá đất tăng lên 1.750 tỷ đồng (tăng 5 lần). Hay như dự án Saigon Atlantis của Công ty TNHH Winwest Investment Hoa Kỳ, dự án này cóvốn đầu tư 4 tỷ USD, mặc dù nhà đầu tư đã ứng trước một phần tiền thuê đất nhưng vẫn bị tính theo giá mới…

Một số DN đã hoạt động ổn định hàng chục năm qua cũng không dám nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới vì giá thuê đất tăng quá cao. Điển hình như Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó GĐ Công ty cho biết: Trước đây, đại hội đồng cổ đông năm 2014 đã thống nhất đầu tư Dự án Khu khách sạn Resort Tháng Mười tiêu chuẩn 4 sao với số vốn khoảng 120 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào năm 2015, khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu về việc tạm nộp tiền thuê đất, trong đó số tiền này đã tăng lên đến 7,37 lần. Vì vậy, đại hội đồng cổ đông năm 2016 đã quyết định dừng dự án này bởi dự án đã không còn khả năng sinh lợi nữa...

Tại buổi đối thoại,các DN du lịch cho rằng, để ngành du lịch phát triển, BR-VT cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất cho các DN. Cụ thể, khi xác định đơn giá thuê đất cho dự án lấy bằng giá thuê đất tính toán theo phương pháp hệ số điều chỉnh.

Các DN kinh doanh, các dự án đầu tư du lịch được cấp phép thì phải có hợp đồng thuê đất (không phải thuê cơ sở hạ tầng) với thời hạn lâu dài là 50 năm. Tiền thuê đất ổn định trong thời gian tối thiểu 5 nămvới mức điều chỉnh mỗi lần không quá 15%. Bên cạnh đó, giá thuê đất cần được phân biệt rõ ràng, chỉ tính phần diện tích đất đầu tư xây dựng trực tiếp kinh doanh. Giá thuê đất căn cứ vào vị trí đất, hệ số sử dụng đất, chiều cao cho phép…

Sau buổi đối thoại hôm nay, VCCI sẽ tập hợp ý kiến DN để trình lên Chính phủ, xin ý kiến của Chính phủ về vấn đề này.

(Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI)

Việc các DN phản ánh về giá thuê đất tăng cao đột biếnnhư vậy cần phải xem xét kỹ lý do vì sao. Nếu do địa phương áp giá chưa đúng thì cần tính lại cho DN, nhưng cũng không loại trừ khả năng trước đây tính chưa đúng, giờ tính đúng thì giá bị “đội” lên khiến DN “sốc”. Tỉnh và DN cần nhiều cuộc đối thoại nhằm xem xét, tìm cách tháo gỡ vướng mắc này, giúp DN yên tâm tiếp tục đầu tư, kinh doanh, phát triển.

(Ông Bùi Sỹ Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT)

Việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất cho người sử dụng đất được cơ quan thuế căn cứ vào những chính sách pháp luật quy định của từng thời kỳ và thông báo cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Cụ thể, tiền thuê đất phải nộp hàng năm được tính bằng diện tích đất thuê nhân với đơn giá đất thuê (trong đó, đơn giá đất thuê= giá đất cụ thể nhân tỷ lệ % do UBND tỉnh quy định).

(Ông Nguyễn Đăng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất, Cục Thuế tỉnh BR-VT)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Hà - Diễm Quỳnh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.