|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp do phụ nữ điều hành đang tăng nhanh tại Việt Nam

15:28 | 29/08/2019
Chia sẻ
Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia hàng đầu đang nỗ lực xoá nhoà khoảng cách giới tính trong lực lượng lao động.

'Nữ quyền' trong các doanh nghiệp Việt

Screen Shot 2019-08-29 at 12

Tỉ trọng doanh nghiệp thuộc sở hữu của doanh nhân nữ tại Đông Nam Á năm 2018. (Nguồn: Mastercard, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Một báo cáo mới đây của Grant Thornton có tên "Phụ nữ trong kinh doanh 2019" cho thấy phụ nữ Việt Nam nắm 36% trong tổng số các vị trí quản lí cao cấp trong doanh nghiệp, xếp thứ hai trong khu vực sau Philippines (37,5%).

Việt Nam cũng có tỉ trọng doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của lãnh đạo nữ cao. Theo một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2018, 31,3% số doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc quyền sở hữu của các lãnh đạo "bóng hồng". 

Với tỉ lệ này, Việt Nam xếp thứ 6 trong tổng số 53 quốc gia thuộc diện khảo sát, xếp trên nhiều quốc gia Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Dù vậy, báo cáo của IFC có tên "Doanh nghệp của phụ nữ ở Việt Nam: Góc nhìn và tiềm năng" cho thấy 57% số doanh nghiệp do nữ giới sở hữu thuộc nhóm vi mô, 42% thuộc nhóm vừa và nhỏ và chỉ 1% thuộc nhóm doanh nghiệp lớn.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020 và hơn một phần ba trong số đó sẽ thuộc sở hữu của nữ giới.

Mặc dù có tỉ trọng cao trong nghiên cứu của Mastercard, phụ nữ Việt Nam xếp thấp trong chỉ số "Chất lượng quản trị" (47), "Các yếu tố hỗ trợ kinh doanh" (48) và "Sự dễ dàng khởi sự" (36).

Phụ nữ Việt cũng gặp bất lợi về mặt văn hoá khi xếp thấp trong chỉ số "Quan điểm văn hoá về doanh nhân nữ" (25), thấp hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

Nghiên cứu của Mastercard cũng cho thấy những sự bất cân bằng chung giữa nam giới và nữ giới trong cả khu vực. Các doanh nghiệp của phụ nữ thường hoạt động nhỏ hơn nhiều so với của nam giới. Phụ nữ cũng thường hoạt động trong các lĩnh vực dễ chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế hơn như bán lẻ và bán buôn.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

nu2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet (bên phải). (Ảnh: Bloomberg)

Một phân tích vào năm 2019 của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy nếu nam giới và phụ nữ bình đẳng tham gia hoạt động kinh doanh, GDP trên toàn cầu có thể tăng 2,5 nghìn tỉ USD.

Theo công ty tư vấn này, các doanh nghiệp của phái đẹp thường phải chịu bốn loại áp lực, bao gồm: hạn chế nguồn lực xã hội và nhân sự, bất lợi về tài chính, kì vọng của xã hội – văn hoá và rào cản tổ chức.

Phân tích của IFC trong khi đó nói rằng những quan điểm thiên lệch về phụ nữ khiến họ khó tiếp cận những khoản tài trợ về tài chính. 

Trong nghiên cứu, chỉ 37% doanh nghiệp của phụ nữ có thể tiếp cận vốn ngân hàng trong hai năm qua, con số cho doanh nghiệp của nam giới là 47%.

Một nghiên cứu Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Quỹ Châu Á và Sáng kiến Kinh doanh Mekong cho thấy 66% doanh nghiệp của doanh nhân nữ muốn nhận hỗ trợ về tài chính nhưng số nhận chỉ chiếm 20,5%. Khoảng cách về tài trợ vốn cần lấp đầy lên tới 1,19 tỉ USD.

67% số doanh nghiệp do nữ giới dứng đầu gặp khó khăn về lãi suất, trong khi đó 45%, 33% và 30% lần lượt gặp khó khăn về gói vay, kì hạn vay và tài sản đảm bảo.

Nhiều người cho rằng phụ nữ có khả năng quản trị tài chính thấp hơn so với nam giới. Dù vậy, IFC nói báo cáo của ngân hàng cho thấy tỉ lệ nợ xấu của doanh nhân nữ chỉ là 0,96% so với con số 2,17% của doanh nhân nam.

Một số hệ thống hỗ trợ doanh nhân nữ Việt Nam đang được thành lập. Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) là một tổ chức hỗ trợ các startup của doanh nhân nữ tại Việt Nam để tháo gỡ các vấn đề liên quan đến tư vấn, đào tạo và gọi vốn. Bên cạnh đó, WISE cũng kết nối phụ nữ với các nguồn lực và cơ hội để sáng tạo và phát triển.

 Ngoài ra một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang tạo ra các gói tín dụng dành riêng cho doanh nhân nữ.

Thái Sơn

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.