Doanh nghiệp dầu mỏ trong cuộc chạy đua thu hút nhà đầu tư
IEA: nguồn cung dầu toàn cầu có thể vượt nhu cầu | |
Châu Á là sẽ là nơi ảnh hưởng nhất đến lượng xuất khẩu dầu mỏ tại Mỹ | |
ExxonMobill lạc quan về nhu cầu năng lượng tái tạo toàn cầu |
Doanh nghiệp dầu mỏ trong cuộc chạy đua thu hút nhà đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sau nhiều năm gặp khó khăn do giá “vàng đen” ảm đạm, các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới đang chạy đua để thu hút các nhà đầu tư với những lời hứa hẹn về tăng trưởng và tỷ lệ cổ tức hấp dẫn. Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) và Total (Pháp) được coi là những ứng viên sáng giá trong cuộc đua này với dự báo tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Nhiều “người khổng lồ” dầu mỏ toàn cầu đã liên tục tìm cách giảm chi tiêu và chi phí sau khi giá dầu trượt dốc vào năm 2014. Giờ đây với giá dầu thô chỉ vào khoảng 50-56 USD/thùng họ có thể kiếm lời, không kém gì thời điểm giá dầu lên tới 100 USD/thùng.
Đầu tư vào các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2017 đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm thị trường dầu mỏ suy sụp, chủ yếu nhờ những chính sách tiết giảm chi phí hoạt động gắt gao và sự phục hồi của giá dầu. Giờ đây các công ty dầu khí một lần nữa hướng đến mức tăng trưởng dương.
Với giá “vàng đen” được dự đoán sẽ duy trì trên 60 USD/thùng từ nay đến cuối thập kỷ, các công ty dầu mỏ lớn tin tưởng rằng họ có thể tăng mức tỷ lệ chi trả cổ tức cho các cổ đông.
Total mới đây thông báo kế hoạch tăng cổ tức thêm 10%, mua lại 5 tỷ USD cổ phiếu quỹ vào năm 2020 và bãi bỏ chính sách chi trả bằng cổ phiếu thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. “Ông lớn” trong lĩnh vực dầu mỏ Pháp này tuần trước công bố báo cáo cho hay lợi nhuận quý IV/2017 tăng 28%.
Công ty dầu khí Statoil (Na Uy) và Chevron Corp. (Mỹ) cũng tăng mức chi trả cổ tức trong tuần qua, trong khi đó, BP (Anh) là doanh nghiệp tiên phong trong ngành với việc tiến hành mua lại cổ phần ngay từ quý IV/2017.
Shell, có lợi nhuận vượt Exxon Mobil (Mỹ) trong năm ngoái, dự kiến sẽ mua 25 tỷ USD cổ phiếu từ nay đến cuối thập niên này, sau khi cũng bãi bỏ chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu trong tháng 11/2017.
Theo giới quan sát, dòng vốn và sản lượng của Exxon đều sụt giảm trong quý IV đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về chiến lược kinh doanh của công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ này. Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Irving, bang Texas này đã giảm hơn 10% trong tuần qua, khiến giá trị vốn hóa mất 35 tỷ USD.