|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Đừng nghĩ to tát, hãy bắt đầu từ cái đơn giản

08:15 | 06/08/2019
Chia sẻ
Việt Nam dự kiến công bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong quí 3-2019, với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số... trong tương lai. Chúng ta cũng kỳ vọng chuyển đổi số sẽ tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nhưng vấn đề đặt ra với từng doanh nghiệp, kể cả các địa phương, là nên bắt đầu từ đâu?
Doanh nghiệp chuyển đổi số: Đừng nghĩ to tát, hãy bắt đầu từ cái đơn giản - Ảnh 1.

Đi từ những bước nhỏ

Theo lời khuyên từ các chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có thể bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ những bước nhỏ nhất; không nhất thiết phải đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ quy mô lớn.

Có những doanh nghiệp đã bắt đầu lộ trình chuyển đổi số của họ bằng cách số hóa tài liệu, chuẩn hóa quy trình làm việc thông qua kết nối mạng, tổ chức các buổi họp trực tuyến thay cho tổ chức họp kiểu cũ.

Tại TPHCM cũng thế, hoạt động chuyển đổi số trong giai đoạn này chỉ đơn giản là việc các sở ngành, quận huyện tích cực tham gia số hóa tài liệu, giấy tờ; tạo ra nguồn dữ liệu có ích để có thể kết nối và truy cập dễ dàng hơn.

Tại cuộc họp mới đây giữa UBND TPHCM với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nói rằng có những trường hợp khi bắt đầu triển khai số hóa hồ sơ mới phát hiện ra có quá nhiều hồ sơ, tài liệu cần phải số hoá; có đơn vị cho biết số lượng hồ sơ, tài liệu cần chỉnh lý trước khi tiến hành số hóa dài đến hàng cây số...

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ (FSI), nói những bước đi nhỏ, chẳng hạn như số hóa giấy tờ, tưởng như nhỏ bé nhưng đem lại những hiệu quả rất to lớn cho doanh nghiệp.

Ông Sơn giải thích, việc bắt đầu số hóa tài liệu chính là bước khởi đầu để chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số và từ văn phòng chồng chất cả “núi” hồ sơ, tài liệu thành một “văn phòng không giấy tờ”.

Đồng tình với câu chuyện này, ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn P.A.T Consulting, nói rằng dữ liệu đang trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Những dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng trở nên đa dạng và giá thành thu thập nó cũng đang có xu hướng giảm. Đồng thời, với sự hỗ trợ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning (máy học), dữ liệu lớn (Big Data)... sẽ giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước... phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, hiệu quả hơn...

Từ những lợi thế này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra môi trường số hóa cho chính mình và sẵn sàng cho việc kết nối với doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái số hóa.

Ông Tuấn khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số để có thể tồn tại và phát triển.

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Đừng nghĩ to tát, hãy bắt đầu từ cái đơn giản - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp công nghệ trong nước, cũng như các startup, sẽ trở thành đầu tàu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển các mô hình kinh doanh mới.

Rồi hướng tới phát triển các nền tảng số

Tại buổi gặp mặt cộng đồng công nghệ thông tin - truyền thông tại TPHCM hôm 15-7-2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng chúng ta đi sau các quốc gia phát triển cũng như nhiều nước đang phát triển khác về chuyển đổi số, nên cần có cách thức tiếp cận thích hợp.

Chẳng hạn như có thể tạo ra các nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ quan quản lý nhà nước...; tạo môi trường số cho mọi người cùng hoạt động, cùng sử dụng.

Ông Hùng nói thêm: “Nói một cách nôm na thế này, thay vì phải tới từng nhà, từng cơ quan, từng doanh nghiệp... để kêu gọi mọi người chuyển đổi số, chúng ta có thể xây dựng các nền tảng số dành cho những lĩnh vực khác nhau, như thanh toán, báo chí, kế toán...”.

Các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng dùng chung cho cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính - kế toán... tạo ra môi trường số, giúp cho các doanh nghiệp trong nước phát triển hoạt động kinh doanh của mình theo hướng mới.

Chẳng hạn như nền tảng dùng chung cho các tờ báo, được phát triển bởi Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1. Các tờ báo không đủ điều kiện tự phát triển ứng dụng số, cung cấp thông tin cho độc giả, mở kênh quảng cáo kỹ thuật số... có thể nhờ tới nền tảng do Yeah1 triển khai.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1, chia sẻ: “Hiện tại Yeah1 đang phát triển nền tảng số giúp cho các báo có thể tiếp cận bạn đọc, phát triển kênh quảng cáo số... một cách đơn giản hơn, dự kiến sẽ công bố trong tháng 8”.

Có một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, đó là xây dựng một nền tảng mới về dịch vụ kế toán để giải quyết nhu cầu báo cáo tài chính và kê khai thuế cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ cá thể. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số cũng giúp cho doanh nghiệp tiếp cận số đông khách hàng dễ dàng hơn để tăng quy mô kinh doanh, nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ thông tin liên lạc.

Doanh nghiệp trong nước vẫn còn dè dặt

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 22% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến họ; 32,7% cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, có khoảng một nửa doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang hoặc sẽ tác động đến họ.

Tuy nhiên, chỉ có 6,6% doanh nghiệp cho rằng đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực, và có tới 31,1% doanh nghiệp vẫn chưa làm gì.

Chí Thịnh